Phiên này, giá dầu thô Brent giao tháng 1/2023 tăng 2,32 USD lên mức 95,99 USD/thùng, kéo dài mức tăng 1,1% của phiên trước. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 12/2022 cũng tăng 2,49 USD (2,9%) lên 88,96 USD/thùng sau khi tăng 0,8% trong phiên 10/11.
Thông tin được thị trường chú ý nhất là việc Chính phủ Trung Quốc thông báo cùng ngày 11/11 rằng sẽ giảm thời gian cách ly đối với du khách đến nước này từ 7 ngày xuống còn 5 ngày, với 3 ngày cách ly tại nhà. Những du khách này cũng sẽ được phép nhập cảnh với kết quả xét nghiệm PCR âm tính được thực hiện trong vòng 48 giờ, giảm từ yêu cầu hai xét nghiệm trước đó.
Các hãng hàng không không còn bị đe dọa phải đình chỉ chuyến bay trong hai tuần kể cả nếu họ có chở 5 du khách dương tính với COVID-19 trở lên.
Tuy nhiên, các biện pháp đó được đưa ra khi Bắc Kinh lại đóng cửa các công viên trong thành phố và chuyển các lớp học của sinh viên lên trực tuyến giữa lúc xuất hiện làn sóng nhiễm COVID-19 mới. Ngoài ra, vẫn còn hơn 5 triệu người phải chịu cảnh phong tỏa ở trung tâm chế tạo Quảng Châu.
Ông Stephen Innes, quản lý cấp cao của công ty dịch vụ quản lý tài chính SPI Asset Management cho biết tâm lý trên thị trường năng lượng vẫn bị giảm sút bởi tình hình dịch COVID-19 ở Trung Quốc cùng các đợt phong tỏa dự kiến sau đó. Những đợt phong tỏa tại các khu vực đông dân cư ở Trung Quốc còn ảnh hưởng đến hoạt động đi lại và nhu cầu dầu hơn cả hoạt động kinh tế.
Theo ông Innes, vì các nhà giao dịch “siêu nhạy cảm” với các đợt phong tỏa ở nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, điều này có thể tạm thời ngăn cản tham vọng tăng vọt trở lại của thị trường dầu.
Nhìn chung, giá các hợp đồng tiêu chuẩn giảm trong tuần do lượng dầu dự trữ của Mỹ tăng và lo ngại kéo dài về nhu cầu nhiên liệu ở Trung Quốc. Nhưng mức tăng vào cuối tuần đã hạn chế phần nào đà giảm của “vàng đen”.
Trong phiên đầu tuần 7/11, giá dầu thế giới đi xuống sau khi tăng lên mức cao nhất trong hơn hai tháng, do những tín hiệu trái chiều về chính sách kiểm soát dịch của Trung Quốc. Các nguồn tin cho biết giới lãnh đạo Trung Quốc đang cân nhắc mở cửa trở lại nền kinh tế, song tiến trình mở cửa sẽ từ từ và chưa có khung thời gian cụ thể. Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 65 xu Mỹ xuống 97,92 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI giảm 82 xu Mỹ xuống 91,79 USD/thùng.
Phiên 8/11, lo ngại ngày càng tăng về nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc khi tình hình dịch COVID-19 trở nên tồi tệ hơn, cũng như về kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ đã tạo áp lực cho giá dầu. Phiên này, giá dầu Brent giảm 2,56 USD (2,6%) xuống 95,36 USD/thùng. Giá dầu WTI cũng mất 2,88 USD (3,14%) xuống 88,91 USD/thùng.
Đà giảm tiếp tục trong phiên giao dịch 9/11, sau khi số liệu mới nhất cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng cao hơn dự kiến. Chốt phiên, giá dầu Brent giảm 2,71 USD (2,8%) xuống 92,65 USD/thùng, còn giá dầu WTI giảm 3,08 USD (3,5%) xuống 85,83 USD/thùng.
Giá dầu thế giới đảo chiều tăng trong phiên 10/11, khi đồng USD giảm mạnh đã góp phần đẩy giá dầu lên. Giá dầu WTI giao tháng 12/2022 của Mỹ tăng 64 xu Mỹ (0,8%) lên chốt phiên ở mức 86,47 USD/thùng tại New York. Giá dầu Brent cũng tăng 1,02 USD (1,1%) lên 93,67 USD/thùng tại London.
Chỉ số USD, thước đo giá trị của đồng tiền này với sáu đồng tiền mạnh khác, giảm 2,12%, xuống 108,204 vào cuối phiên này, sau khi số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ thấp hơn dự kiến. Giá dầu thường diễn biến trái chiều so với đồng USD.
Với mức tăng trong phiên 11/11, giá dầu vẫn đánh dấu mức giảm 3,9% trong tuần còn giá dầu Brent thấp hơn 2,6% so với thời điểm kết thúc tuần trước.
Chuyên gia Manish Raj thuộc công ty đầu tư vào thị trường năng lượng Velandera Energy Partners cho biết mặc dù giá dầu tăng gần đây, vẫn không có con đường nào giúp WTI hướng đến mức 100 USD/thùng, trừ khi nguồn dầu của Nga bị cắt giảm hoặc Trung Quốc từ bỏ chính sách Zero COVID nghiêm ngặt. Tuy nhiên, cả hai điều này đều rất khó xảy ra.
Ông Raj cho biết các nhà giao dịch dầu sẽ theo dõi báo cáo dầu hàng tháng của OPEC được công bố ngày thứ Hai tuần tới (14/11). Chuyên gia này nói thêm rằng ông không mong đợi bất kỳ điều bất ngờ nào từ báo cáo này, vì còn quá sớm để đo lường mức độ tuân thủ đối với việc cắt giảm sản lượng được công bố vào tháng trước.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) sẽ vẫn thận trọng về sản lượng dầu. Vị hoàng tử còn lưu ý rằng các thành viên đã nhìn thấy "những bất ổn" trong nền kinh tế toàn cầu trước cuộc họp tiếp theo của khối vào tháng 12.
OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng mạnh tay khoảng 2 triệu thùng/ngày tại cuộc họp tháng trước. Khối này sẽ nhóm họp lại vào ngày 4/12 để đánh giá và đưa ra chính sách của mình.