Bên cạnh đó, nhu cầu thế giới vẫn mạnh bất chấp những căng thẳng thương mại đã hỗ trợ phần nào cho giá dầu.
Tại thị trường New York (Mỹ), giá dầu Brent Biển Bắc giảm 18 xu Mỹ xuống 84,8 USD/thùng, sau khi đạt mức cao của bốn năm là 85,45 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 7 xu Mỹ xuống 75,23 USD/thùng, sau khi đạt mức cao của bốn năm là 75,91 USD/thùng.
Các chuyên gia phân tích, tham gia khảo sát của hãng tin Reuters, dự báo lượng dầu dự trữ tại các kho của Mỹ đã tăng khoảng 2 triệu thùng trong tuần trước, trước khi Viện Xăng dầu Mỹ (API) và Bộ Năng lượng Mỹ công bố báo cáo dữ liệu về tình hình nguồn cung vào ngày 3/10.
Giá dầu đã tăng gần ba lần so với mức thấp ghi nhận được trong tháng 1/2016 sau khi các nước trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), trong đó có Nga, thực hiện cắt giảm sản lượng.
Tâm lý của các nhà giao dịch trên thị trường dầu cũng đã được cải thiện nhờ thỏa thuận vào phút chót để “cứu" NAFTA ba bên giữa Mỹ, Mexico và Canada hôm 30/9.
Lệnh trừng phạt của Mỹ đối với lĩnh vực dầu mỏ Iran, nước cung cấp gần 3% lượng dầu tiêu thụ hàng ngày của thế giới, dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 4/11. Một khảo sát về sản lượng dầu của hãng tin Reuters cho thấy sản lượng dầu của Iran trong tháng Chín đã giảm khoảng 100.000 thùng/ngày, trong khi tổng sản lượng từ OPEC tăng khoảng 90.000 thùng/ngày từ tháng Tám.
Trong báo cáo triển vọng Kinh tế toàn cầu quý IV, ngân hàng HSBC cho biết các chuyên gia phụ trách lĩnh vực dầu mỏ của ngân hàng dự báo giá “vàng đen” có thể chạm mức 100 USD/thùng.