Phiên này, giá dầu Brent giao tháng 10/2022 giảm 24 xu Mỹ (tương đương 0,25%) xuống mức 96,48 USD/thùng. Trước đó cùng phiên, loại dầu tiêu chuẩn này đã có lúc giảm 4,5% và phá vỡ chuỗi ba ngày tăng liên tiếp.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao cùng kỳ hạn giảm 4 xu Mỹ (0,03%) xuống 90,41 USD/thùng.
Hãng thông tấn nhà nước SPA đưa tin Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, cho biết OPEC+ có sự cam kết, tính linh hoạt và biện pháp để đối phó với các thách thức và đưa ra những hướng dẫn bao gồm cắt giảm sản lượng bất cứ lúc nào và dưới các hình thức khác nhau.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo của Mỹ, Anh, Pháp và Đức đang thảo luận về nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết hồi năm 2015. Theo thông báo ngày 21/8 của Nhà Trắng, thỏa thuận đó có thể cho phép dầu của Iran - vốn vẫn phải chịu lệnh trừng phạt - quay trở lại thị trường toàn cầu.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các bên đã tiến tới gần một thỏa thuận hạt nhân với Iran hơn so với cách đây hai tuần.
Ngoài yếu tố OPEC+ và Iran, các nhà đầu tư sẽ còn chú ý đến những bình luận của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell khi ông phát biểu tại hội nghị ngân hàng trung ương toàn cầu hằng năm ở Jackson Hole, Wyoming, vào thứ Sáu (26/8).
Hồi đầu phiên, những lo ngại rằng việc Mỹ tăng lãi suất mạnh mẽ có thể dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu và làm giảm nhu cầu nhiên liệu đã đẩy giá dầu đi xuống.
Áp lực càng gia tăng do nhu cầu nhiên liệu tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, một phần là do cuộc khủng hoảng năng lượng ở phía Tây Nam nước này.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay vào ngày 22/8 như một phần của các biện pháp nhằm vực dậy một nền kinh tế đang gặp khó khăn bởi cuộc khủng hoảng bất động sản và sự trỗi dậy của các đợt bùng phát COVID-19 trên cả nước.