Những nỗi lo đó đã xóa nhòa phần nào những bất an về nguồn cung, sau động thái giảm sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối hồi tuần trước.
Tuần trước, cùng với các nhà sản xuất lớn bao gồm Nga, OPEC đã đẩy giá dầu tăng khi đồng ý cắt giảm nguồn cung khoảng 2 triệu thùng/ngày.
Giá dầu Brent giao kỳ hạn phiên này mất 2,18 USD (tương đương 2,3%) xuống 92,11 USD/thùng vào lúc 1 giờ 49 phút (sáng 13/9 giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) mất 2,53 USD (2,8%) xuống 86,82 USD/thùng.
Cả OPEC và Bộ Năng lượng Mỹ đều cắt giảm triển vọng nhu cầu của mình. Cụ thể, OPEC hôm thứ Tư đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng nhu cầu trong năm nay khoảng 460.000 thùng/ngày xuống 2,64 triệu thùng/ngày, viện dẫn tình hình chống dịch tại Trung Quốc và lạm phát cao.
Bộ Năng lượng Mỹ cũng hạ kỳ vọng đối với cả hoạt động sản xuất và nhu cầu ở nước này lẫn trên toàn cầu. Hiện tại, mức tiêu thụ dầu của Mỹ dự kiến chỉ tăng 0,9% vào năm 2023, giảm so với dự báo trước đó là tăng 1,7%. Trên toàn thế giới, Bộ này cho biết mức tiêu thụ chỉ tăng 1,5% thay vì mức 2%.
Thị trường năng lượng cũng đang chịu áp lực từ đồng USD, vốn đã tăng giá trên diện rộng. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cam kết tiếp tục tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát cao đã thúc đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ, khiến đồng tiền của Mỹ trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, lạm phát ở cấp độ nhà sản xuất của Mỹ đã làm dấy lên lo lắng khi giá bán buôn tăng mạnh hơn dự đoán. Đồng USD mạnh hơn làm cho hàng hóa định giá bằng đồng bạc xanh trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, qua đó có xu hướng đè nặng lên dầu và các tài sản rủi ro khác.
Ông Phil Flynn, nhà phân tích tại công ty môi giới đầu tư Price Futures Group ở Chicago (Mỹ) cho biết trong ngắn hạn, thị trường rất khó để kháng cự các quyết định của Fed. Tuy nhiên, khi bước vào mùa đông, thị trường sẽ không cần bận tâm đến lạm phát.