Khép lại phiên này, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 1/2022 giảm 1,52 USD, hay 2,1%, xuống 70,86 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 2/2022 giảm 1,5 USD, hay 2%, và đóng phiên ở mức 73,52 USD/thùng. Tuần này là tuần thứ bảy trong tám tuần qua cả hai loại dầu trên giảm giá, với mức giảm 1,1% của dầu WTI và mức giảm 2,2% của dầu Brent.
Chuyên gia Edward Meir của công ty tài chính ED&F Man Capital Markets (Mỹ) cho biết những lo ngại về biến thể Omicron đang làm gia tăng khả năng hoạt động đi chuyển và đi lại sụt giảm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể Omicron đã được báo cáo tại hơn 60 quốc gia và có nguy cơ "rất cao" trên toàn cầu. Hiện đã có một số bằng chứng cho thấy nó có thể tránh né sự bảo vệ của vaccine ngừa COVID-19.
Các chính phủ trên khắp thế giới, như Vương quốc Anh và Na Uy, đã thắt chặt các biện pháp hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron. Pháp ngày 16/12 đã ban hành các quy định hạn chế mới đối với người từ Vương Quốc Anh. Trong khi đó, Mỹ đang ghi nhận hơn 120.000 ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày, tăng hơn 40% so với hai tuần trước, theo công cụ theo dõi của tờ New York Times.
Còn tại Trung Quốc, một tỉnh quan trọng là Chiết Giang đã phát hiện cụm lâu nhiễm COVID-19 đầu tiên của mình trong năm nay, với hàng trăm nghìn công dân hiện phải cách ly. Ông Bob Yawger, người đứng đầu mảng thị trường năng lượng của chi nhánh New York (Mỹ) thuộc ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) cho biết Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Do đó, thị trường dầu có thể chịu áp lực khá lớn nếu dịch COVID-19 lan rộng ra một cách không được kiểm soát ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Trước đó, giá dầu thế giới đi xuống trong hai phiên đầu tuần, khi thị trường lo ngại về tình hình dịch COVID-19 sau khi xuất hiện những nghi ngờ về hiệu quả của vaccine chống lại biến thể Omicron, và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết biến thể này sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trên toàn cầu. Trong đó, đáng chú ý, giá dầu Brent đã xuống ngưỡng 73 USD/thùng trong phiên 14/12.
Tuy nhiên, sau cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), giá dầu thế giới lại đảo chiều đi lên trong hai phiên 15 và 16/12, khi nhu cầu cao kỷ lục tại Mỹ, lượng dầu thô dự trữ giảm và triển vọng kinh tế lạc quan của Fed đã lấn át những lo ngại rằng biến thể Omicron có thể làm giảm sự tiêu thụ dầu trên toàn cầu. Fed cho biết sẽ chấm dứt chương trình mua trái phiếu trong thời kỳ đại dịch vào tháng Ba tới và bắt đầu nâng lãi suất khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn thấp và lạm phát đang gia tăng.
Bên cạnh đó, nhu cầu dầu đang tăng lên trong năm 2021 sau khi sụt giảm mạnh trong năm ngoái. Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) mới đây cho biết lượng sản phẩm do các công ty lọc dầu cung cấp, một chỉ báo cho nhu cầu, đã tăng mạnh trong tuần trước lên 23,2 triệu thùng/ngày. Bên cạnh đó, EIA cũng cho biết lượng dầu dự trữ của Mỹ đã giảm 4,6 triệu thùng trong tuần trước, nhiều hơn dự đoán của giới phân tích.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) mới đây đã nâng dự báo nhu cầu dầu thế giới cho quý đầu tiên của năm 2022. Song tổ chức này vẫn giữ nguyên ước tính tăng trưởng cả năm, đồng thời cho biết biến thể Omicron sẽ có tác động "nhẹ" khi thế giới quen với việc xử lý đại dịch COVID-19. OPEC và các nhà sản xuất lớn (còn gọi là nhóm OPEC+) sẽ nhóm họp vào ngày 4/1/2022 để quyết định về chính sách sản lượng của họ.