Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc giao kỳ hạn giảm 83 xu Mỹ xuống 88,49 USD/thùng, sau khi tăng lên mức cao 90,12 USD/thùng trong suốt phiên. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 11/2022 giảm 92 xu Mỹ xuống 81,23 USD/thùng.
Hãng tin Reuters (Anh) dẫn các nguồn tin cho hay các thành viên hàng đầu trong OPEC+ đã bắt đầu thảo luận về việc cắt giảm sản lượng dầu tại cuộc họp tuần tới ngày 5/10. Một nguồn tin OPEC nói với hãng tin Reuters rằng sẽ có một đợt cắt giảm sản lượng, trong khi hai nguồn tin khác từ OPEC+ nói rằng các thành viên quan trọng đã đề cập đến chủ đề này. Reuters đưa tin trong tuần này Nga có thể sẽ đề xuất OPEC+ giảm sản lượng dầu khoảng 1 triệu thùng/ngày.
Ryan Dusek, Giám đốc Nhóm Tư vấn Rủi ro Hàng hóa tại Opportune LLP (Mỹ) cho biết hiện thị trường dầu đang chao đảo giữa nhu cầu giảm sút do Fed gây ra và nguồn cung dầu bị thắt chặt.
Các thị trường chứng khoán Mỹ đã sụt giảm bởi lo ngại việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay đối phó với lạm phát có thể tác động đến nền kinh tế Mỹ và các nhà đầu tư lo lắng về sự thay đổi của thị trường tiền tệ và nợ toàn cầu.
Nỗi lo trên thị trường đã vơi đi phần nào khi mối đe dọa về cơn bão Ian đã giảm đi, trong đó dầu Mỹ dự kiến sẽ quay trở lại thị trường trong vài ngày tới sau khi khoảng 158.000 thùng/ngày bị ảnh hưởng ở vùng Vịnh Mexico tính đến ngày 28/9.
Tại Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, hoạt động đi lại trong kỳ nghỉ lễ quốc khánh kéo dài một tuần sắp tới sẽ ghi nhận mức thấp nhất trong nhiều năm do các quy định về chính sách zero COVID của nước này khiến người dân phải ở nhà trong khi nền kinh tế bất ổn làm hạn chế chi tiêu.
Chỉ số đồng USD đã giảm trở lại trong phiên 29/9, rời khỏi mức cao nhất trong 20 năm, cho thấy một số nhà đầu tư đang tìm đến những tài sản rủi ro hơn.
Một yếu tố khác hỗ trợ giá dầu là Mỹ sắp công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với các công ty tạo điều kiện cho việc bán dầu của Iran.