Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 1 xu Mỹ (tương đương 0,01%) xuống 91,62 USD/thùng, đảo chiều so với mức giảm 6,4% trong tuần trước. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WT) cũng giảm 15 xu Mỹ (0,2%) xuống 85,46 USD/thùng sau khi giảm 7,6% vào tuần trước.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) ngày 17/10 đã kéo dài các khoản vay chính sách trung hạn đến thời hạn thanh toán, trong khi giữ nguyên lãi suất cơ bản trong tháng thứ hai liên tiếp. Động thái đó cho thấy PBoC sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.
Bên cạnh đó, một quan chức cấp cao của Cơ quan Năng lượng Quốc gia cho biết Trung Quốc cũng sẽ tăng cường khả năng cung cấp năng lượng trong nước, đồng thời tăng cường kiểm soát rủi ro đối với các mặt hàng quan trọng bao gồm than, dầu, khí đốt và điện. Thông tin đó đã phần nào hỗ trợ cho giá dầu hồi đầu phiên.
Thị trường sẽ dành nhiều chú ý cho các số liệu thương mại và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III/2022 của Trung Quốc dự kiến được công bố vào ngày 18/10.
Tuy nhiên, ông Dennis Kissler, Phó chủ tịch cấp cao về giao dịch của công ty dịch vụ tài chính BOK Financial, cho biết lạm phát của Mỹ vẫn là một chủ đề được thị trường quan tâm hàng đầu. Với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tăng lãi suất tối thiểu kéo dài sang năm tới, có những lo ngại rằng nhu cầu ngày một yếu đi.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Craig Erlam của công ty môi giới đầu tư OANDA cho biết thị trường năng lượng đã trải qua một vài tuần hỗn loạn khi nhà đầu tư bị chi phối bởi một loại yếu tố, từ những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu cho đến việc cắt giảm sản lượng quy mô siêu lớn của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (OPEC+). Có vẻ như các yếu tố này vẫn chưa hoàn toàn lắng xuống.
Chuyên gia này lưu ý, dầu Brent đã dao động trong khoảng từ mức thấp nhất là 82 USD/thùng đến mức cao nhất là 98 USD/thùng. Do vậy, nhiều khả năng loại hàng hóa này đang cố gắng vững chân tại mức nào đó trong khoảng trên.