Phiên này, giá dầu Brent kỳ hạn tăng 8 xu Mỹ (tương đương 0,1%) lên 65,40 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 8 xu Mỹ (0,1%) lên 61,43 USD/thùng.
Yếu tố chính giúp nâng đỡ giá dầu trong phiên này là việc Libya cho biết sản lượng dầu của nước này giảm xuống còn khoảng 1 triệu thùng/ngày trong những ngày gần đây. Con số này còn có thể giảm thêm do các vấn đề ngân sách.
Thông tin đó đã giúp hạn chế phần nào ảnh hưởng từ việc Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, hôm 22/4 báo cáo mức tăng số ca nhiễm mới COVID-19 hàng ngày cao nhất thế giới từ trước đến nay với 314.835 ca. Cùng với đó, Nhật Bản, nhà nhập khẩu dầu lớn thứ tư thế giới, dự kiến sẽ thông báo lệnh phong toả thứ ba áp đặt lên Thủ đô Tokyo và ba tỉnh phía Tây nước này.
Nhà phân tích Tamas Varga của công ty tư vấn năng lượng PVM cho biết tâm lý phòng thủ của thị trường cơ bản cũng gia tăng bởi tiến độ đàm phán giữa Iran và các cường quốc thế giới nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Giới phân tích cho biết Iran có tiềm năng cung cấp thêm khoảng 1-2 triệu thùng dầu mỗi ngày nếu thỏa thuận được ký kết. Đây là một yếu tố đáng chú ý, nhất là trong bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, bao gồm Nga (còn gọi là nhóm OPEC+), có kế hoạch tăng sản lượng thêm khoảng 2 triệu thùng/ngày trong ba tháng tới.
Các thành viên OPEC+ dự kiến sẽ nhóm họp vào tuần sau. Song phía Chính phủ Nga cùng những nguồn tin thân cận với OPEC+ cho hay sẽ khó có những thay đổi lớn trong chính sách sản lượng của khối trên được đưa ra tại cuộc họp này.