Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Bảy tăng 2 USD, hay 1,7%, lên 118,87 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng Bảy tăng 2,11 USD, hay 1,8%, lên 119,72 USD/thùng.
Giá dầu thế giới tăng hơn 1% trong phiên giao dịch 2/6 sau khi dự trữ dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu tăng cao. Giá dầu vẫn tăng dù cho Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn gọi là OPEC+, quyết định tăng thêm sản lượng dầu thô để bù đắp cho sản lượng sụt giảm của Nga. Trong phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 1,32 USD (1,1%) lên 117,61 USD/thùng, trong khi dầu WTI tăng 1,61 USD (1,4%) lên 116,87 USD/thùng.
Giá dầu thế giới tăng trong phiên 1/6, sau khi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đồng ý về một lệnh cấm theo từng giai đoạn đối với dầu nhập khẩu từ Nga. Ngoài ra, việc Trung Quốc chấm dứt phong tỏa phòng dịch COVID-19 ở Thượng Hải cũng có thể thúc đẩy nhu cầu trong một thị trường vốn đã thắt chặt. Phiên này, giá dầu Brent ổn định ở mức 116,29 USD/thùng, tăng 69 xu Mỹ (tương đương 0,6%). Giá dầu WTI cũng tiến 59 xu Mỹ (0,5%) lên 115,26 USD/ounce.
Trước đó, giá dầu thế giới giảm trong phiên 31/5 sau một thông tin cho biết một số nước sản xuất dầu đang xem xét ý tưởng tạm dừng sự tham gia của Nga vào thỏa thuận sản lượng của OPEC+. Khép lại phiên này, giá dầu Brent giao tháng Tám giảm 2 USD, hay 1,7% xuống 115,6 USD/thùng, sau khi có thời điểm tăng lên 120,80 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI giảm 40 xu Mỹ, hay 0,4%, xuống 114,67 USD/thùng, sau khi có thời điểm tăng lên 119,98 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 9/3.
Giá dầu thế giới tăng trên ngưỡng 121 USD/thùng trong phiên 30/5, chạm mức cao nhất trong hai tháng khi Trung Quốc nới lỏng các hạn chế phòng dịch COVID-19 ở nước này. Giá dầu Brent giao tháng 7/2022 đã tăng 2,24 USD (tương đương 1,9%) lên mức 121,67 USD/thùng. Giá dầu WTI giao cùng kỳ hạn cũng tiến 1,99 USD (1,7%) lên 117,06 USD/thùng, kéo dài mức tăng vững chắc mà loại dầu này đạt được trong tuần trước.
Trong cả tuần, giá dầu WTI tăng 3,3%, trong khi giá dầu Brent tăng 3,6%.
Giá dầu tăng dù OPEC+ sẽ tăng sản lượng mạnh hơn trong tháng Bảy. Tại cuộc họp vào ngày 2/6, OPEC+ đã nhất trí tăng sản lượng 648.000 thùng/ngày vào tháng Bảy, sau khi tăng 432.000 thùng/ngày trong các tháng trước.
Nhà phân tích về năng lượng tại công ty nghiên cứu kinh tế Commerzbank Research (Đức) Carsten Fritsch cho rằng OPEC+ đã dồn mức tăng trong ba tháng tới vào hai tháng. Nói cách khác, dầu mỏ sẽ được đưa vào thị trường nhiều hơn trong thời gian ngắn.
Trong khi đó, số liệu về dự trữ dầu của Mỹ mới được công bố cho thấy thị trường tiếp tục thắt chặt.
Theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, dự trữ dầu thô của nước này giảm 5,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 27/5.