Theo đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn đã tăng 19 xu Mỹ (tương đương 0,3%) lên 59,51 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 34 xu (khoảng 0,6%) lên 53,48 USD/thùng.
Trong một báo cáo gửi tới khách hàng, ông Jim Ritterbusch, Chủ tịch của công ty tư vấn tài chính Ritterbusch và Associates, nhận định phần lớn sự tiến bộ của thị trường dầu mỏ trong phiên 28/1 phản ánh tác động lan tỏa từ sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường chứng khoán. Song ông cũng lưu ý rằng một đồng USD mạnh cũng hạn chế hoạt động mua vào trên lĩnh vực năng lượng.
Phiên này, chỉ số đồng USD – được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – vẫn ở quanh mức cao kể từ đầu tháng 12/2019 là 98.
Thị trường cũng đang chờ báo cáo về số liệu dầu thô hàng tuần của Mỹ do Viện Dầu khí Mỹ (API) công bố. Thị trường dự kiến lượng dầu thô dự trữ của nước này đã tăng 500.000 thùng vào tuần trước, trong khi lượng dự trữ xăng có khả năng kéo dài chuỗi tăng sang tuần thứ 12 liên tiếp.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng bị chi phối bởi việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đánh tiếng sẽ thắt chặt nguồn cung giữa lúc có những lo ngại dịch viêm phổi cấp do chúng mới của virus corona sẽ đè nặng lên nhu cầu dầu thế giới.
Saudi Arabia, nhà sản xuất dầu hàng đầu của OPEC, đã tìm cách trấn an thị trường và kêu gọi giới đầu tư thận trọng trước những kỳ vọng ảm đạm về tác động của dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra đối với nhu cầu dầu toàn cầu.
Một số nguồn tin cũng cho biết giới chức OPEC đã bắt đầu cân nhắc các lựa chọn như kéo dài kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu hiện tại cho đến ít nhất là tháng Sáu, với khả năng giảm sâu hơn nữa nếu nhu cầu dầu ở Trung Quốc bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch.
Hiện OPEC +, nhóm sản xuất bao gồm các thành viên OPEC và các quốc gia khác như Nga, đã tham gia vào một thỏa thuận cắt giảm nguồn cung dầu để hỗ trợ giá “vàng đen”. Hồi tháng 12/2019, nhóm này đã đồng ý duy trì kế hoạch cắt giảm sản lượng 1,7 triệu thùng mỗi ngày cho đến cuối tháng 3/2020.