Bên cạnh đó, việc giới đầu tư đang chờ đợi xem liệu Nga có chung tay với các nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt khác trong việc tiếp tục cắt giảm sản lượng hay không cũng là nhân tố gây sức ép giảm cho giá dầu trong phiên này.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/2, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 75 xu Mỹ (1,5%), xuống 49,57 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 7/1/2019. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng hạ 1,2 USD (2,2%), đóng cửa ở mức 53,27 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 28/12/2018.
Giá dầu thế giới đã mất hơn 25% kể từ mức đỉnh xác lập hồi tháng Một vừa qua, kéo giá dầu WTI của Mỹ xuống dưới ngưỡng 50 USD/thùng sau khi dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV bắt nguồn từ Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, khiến nhiều người thiệt mạng bắt đầu lan rộng. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng nguồn cung dầu toàn cầu sẽ bị dư thừa quá mức.
Nhập khẩu dầu thô và khí tự nhiên của Trung Quốc cũng đang giảm đi đáng kể , giữa bối cảnh hầu hết các nhà lọc dầu Trung Quốc đều cắt giảm hoạt động do dịch bệnh. Bắc Kinh cũng đã đưa ra một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và các thị trường tài chính trong tuần qua, điều khiến giới đầu tư hy vọng Chính phủ nước này sẽ có thêm các biện pháp kích thích nhằm hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong khi đó, những lo ngại về tình trạng dư cung vẫn hiện hữu khi Nga cho biết họ cần thêm thời gian để quyết định về khả năng sẽ cùng với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh khác cắt giảm sản lượng thêm 600.000 thùng mỗi ngày. Nhóm trên, được gọi chung là OPEC+ đã thực hiện cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng dầu/ngày kể từ tháng 1/2019 và từ tháng 1/2020 cắt giảm thêm 500.000 thùng/ngày nhằm giảm bớt nguồn cung dư thừa và đẩy giá dầu đi lên.