Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 31 xu Mỹ (0,6%), lên 54,27 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn cũng tăng 21 xu Mỹ (0,4%), lên 49,82 USD/thùng. Cả hai loại dầu này đều ghi nhận mức tăng hơn 1% vào đầu phiên này.
Tại cuộc họp ngày 4/2, OPEC và các đồng minh, dẫn đầu là Nga, được gọi là OPEC+, đã đánh giá những ảnh hưởng của nhu cầu tiêu thụ và tình hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu tới thị trường dầu mỏ, giữa bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona tiếp tục diễn biến phức tạp tại Trung Quốc. Dịch bệnh đã lan tới 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đe dọa nền kinh tế Trung Quốc nói riêng và kinh tế thế giới nói chung.
OPEC+ đang cân nhắc khả năng tiếp tục cắt giảm sản lượng và đẩy sớm cuộc họp chính sách dự kiến vào tháng 3/2020 sang tháng Hai. Tháng 12/2019, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày, đưa tổng mức cắt giảm lên 1,7 triệu thùng/ngày. OPEC, Nga và một số nhà sản xuất dầu mỏ khác đã hạn chế khai thác sản lượng trong những năm gần đây nhằm vực dậy giá dầu.
Tuy nhiên, nhà phân tích Edward Moya, thuộc công ty môi giới OANDA, cảnh báo rằng nỗ lực cắt giảm sản lượng có thể không phát huy tác dụng nếu dịch bệnh do nCoV tiếp diễn lâu hơn tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới đồng thời là động lực tăng trưởng chủ chốt đối với nhu cầu năng lượng toàn cầu trong những năm gần đây.
Dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 4,2 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 31/1, lên 432,9 triệu thùng. Con số này được Viện dầu khi quốc gia Mỹ công bố ngày 4/2, vượt ngoài dự đoán của giới phân tích. Dự kiến, báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng sẽ được công bố vào cuối ngày 5/2.