Thị trường cũng nhận được sự hỗ trợ khi các nhà giao dịch tìm kiếm dấu hiệu về việc các nền kinh tế hàng đầu sẽ đưa ra các biện pháp để đối phó với sự sụt giảm tăng trưởng trên toàn cầu.
Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc được giao dịch ở mức 59,74 USD/thùng, tăng 1,1 USD (1,88%). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,34 USD (2,44%) lên 56,21 USD/thùng.
Những dấu hiệu dịu xuống của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó có việc Washington nới lỏng lệnh cấm, cho phép Tập đoàn công nghệ Huawei Technologies của Trung Quốc mua linh kiện từ các công ty Mỹ, cũng "tiếp sức" cho giá dầu.
Ngoài ra, tình hình Trung Đông trở nên căng thẳng sau khi lực lượng Houthi ở Yemen tấn công mỏ dầu Shaybah ở phía Đông Saudi Arabia hôm 17/8. Cuộc tấn công gây ra hỏa hoạn, song tập đoàn dầu mỏ Aramco, chủ sở hữu mỏ dầu này, cho biết hoạt động sản xuất không bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, tình hình căng thẳng liên quan đến Iran dường như đã dịu xuống sau khi Gibraltar (vùng lãnh thổ của Anh tại Địa Trung Hải) thả tàu chở dầu của Iran bị bắt giữ hồi tháng Bảy. Sau khi được thả, con tàu này đang hướng đến Hy Lạp. Tuy vậy, Tehran đã lên tiếng cảnh báo Mỹ về bất kỳ nỗ lực mới nào nhằm bắt giữ tàu chở dầu này ở vùng biển mở.
Thị trường chứng khoán đi lên nhờ đồn đoán ngày càng tăng rằng các nền kinh tế trên toàn cầu sẽ hành động để đối phó với tăng trưởng sụt giảm cũng đã hỗ trợ giá dầu. Giá dầu thường “theo chân” sự biến động của thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu đã bị hạn chế sau khi báo cáo của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) làm dấy lên những lo ngại về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu. Trong bản báo cáo hàng tháng, OPEC đã hạ dự báo mức tăng nhu cầu dầu toàn cầu năm nay khoảng 40.000 thùng/ngày, xuống 1,1 triệu thùng/ngày, cho rằng thị trường sẽ dư cung nhẹ vào năm 2020. Báo cáo này đã khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại bởi hiếm khi OPEC đưa ra quan điểm bi quan về triển vọng thị trường năng lượng toàn cầu.