Giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) giao tháng 9/2019 tăng 40 xu, hay 0,7%, chốt phiên cuối tuần qua ở mức 54,87 USD/thùng, sau khi chạm mức cao 55,67 USD/thùng trong phiên tại Sàn giao dịch hàng hóa New York. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 10/2019 tăng 41 xu, hay 0,7%, lên 58,64 USD/thùng tại sàn ICE Futures Europe.
Theo Dow Jones Market Data, giá dầu WTI khép lại tuần qua với mức tăng 0,7% trong cả tuần, trong khi giá dầu Brent tăng 0,2%.
Nhà phân tích Jason Gammel tại Jefferies cho rằng, giá dầu Brent biến động trong tuần giao dịch vừa qua do các tin tức về thuế, lo ngại về nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ, và những rủi ro đối với nhu cầu sẽ vẫn tác động đến lòng tin của thị trường trong tương lai gần.
Trong báo cáo tháng công bố ngày 16/8, OPEC đã hạ dự báo mức tăng nhu cầu dầu toàn cầu năm nay đi 40.000 thùng/ngày, xuống 1,1 triệu thùng/ngày. Tổ chức này giữ nguyên dự báo cho năm tới ở mức 1,14 triệu thùng/ngày. OPEC cũng hạ dự báo về mức tăng nguồn cung ngoài tổ chức này trong năm nay và năm tới.
Giám đốc điều hành Sun Global Investments, Mihir Kapadia, cho rằng bức tranh chung cho thấy những khó khăn sẽ vẫn tiếp tục trong năm 2020 và lòng tin vào nền kinh tế đang yếu đi. Theo ông, các chính sách hạn chế sản lượng của OPEC là cần thiết để cân bằng thị trường, nhưng với các yếu tố khác như bất đồng thương mại vẫn tiếp diễn, giá dầu sẽ chịu sức ép lớn.
Thị trường dầu mỏ đi xuống từ đầu tháng này, giảm hơn 20% so với các mức cao gần đây. Giá dầu WTI giảm 6,5% trong tháng, trong khi giá dầu Brent giảm gần 10%.
Giá dầu giảm do loạt số liệu về kinh tế toàn cầu yếu và sự đảo ngược của đường cong lãi suất trái phiếu của Mỹ được xem là dấu hiệu cảnh báo suy thoái. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang đã gây thêm lo ngại về sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu.
Theo nhà phân tích về hàng hóa của Schneider Electric, Robbie Fraser, khả năng đàm phán giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về các vấn đề thương mại trong tương lai gần có thể tạo động lực mua vào, nhưng cũng là yếu tố gây biến động thị trường nếu đàm phán không đạt tiến triển.