Tại thị trường New York (Mỹ), giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 0,24 USD lên 64 USD/thùng. Trong tuần này, giá dầu WTI giao kỳ hạn chỉ nhích 0,2% nhưng vẫn là tuần tăng giá thứ bảy liên tiếp.
Tại thị trường London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn được giao dịch ở mức 71,97 USD/thùng, tăng 0,35 USD so với mức chốt phiên trước đó và gần mức cao của 5 tháng là 72,27 USD/thùng đã đạt được trong phiên ngày 17/4. Dầu Brent đã chứng kiến mức tăng 0,6% trong tuần này, ghi dấu tuần tăng giá thứ thư liên tiếp.
Theo số liệu về dầu mỏ từ tổ chức mang tên Sáng kiến Dữ liệu chung (JODI), xuất khẩu dầu thô của Saudi Arabia trong tháng Hai đã giảm khoảng 277.000 thùng so với tháng trước đó xuống dưới 7 triệu thùng/ngày. Saudi Arabia là thành viên chủ chốt của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Trong khi số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay dự trữ xăng, dầu và các sản phẩm chưng cất của Mỹ đã giảm trong tuần này, trong đó lượng dầu thô bất ngờ ghi nhận mức sụt giảm lần đầu tiên trong bốn tuần.
Ngoài ra, các công ty năng lượng Mỹ trong tuần này đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu lần đầu tiên trong ba tuần do dự báo mức tăng sản lượng dầu khí đá phiến tiếp tục giảm.
Trong báo cáo hàng tuần, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes thuộc General Electric Co's cho biết số lượng giàn khoan dầu của Mỹ đã giảm tám giàn trong tuần kết thúc ngày 18/4.
Gene McGillian, phó chủ tịch phụ trách mảng nghiên cứu thị trường của Tradition Energy tại Stamford, Connecticut (Mỹ), nhận định có dấu hiệu khá rõ ràng rằng nguồn cung trên thị trường đang thắt chặt và thị trường bớt quan ngại về nhu cầu tiêu thụ dầulà những yếu tố thúc đẩy giá “vàng đen” tăng cao.
Trước đó, giá dầu đã được tiếp sức nhờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu khoảng 1,2 triệu thùng/ngày (từ đầu năm nay) đã đạt được giữa các OPEC và các đồng minh, trong đó có Nga. Tiếp đó, nguồn cung dầu trên toàn cầu đã tiếp tục thắt chặt hơn sau khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Venezuela và Iran.