Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn tiến 1,73 USD (tương đương 1,8%) lên 96,65 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ cũng tăng 1,75 USD (1,97%) lên 90,76 USD/thùng.
Hồi tuần trước, những lo ngại rằng suy thoái kinh tế có thể làm giảm nhu cầu năng lượng đã đẩy giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 13,7% xuống mức thấp nhất kể từ tháng Hai. Đây là mức giảm hàng tuần lớn nhất của Brent kể từ tháng 4/2020. Giá dầu WTI cũng mất 9,7% vào tuần trước.
Cả hai loại dầu tiêu chuẩn trên đã lấy lại đà tăng sau khi số liệu về tăng trưởng việc làm ở Mỹ, nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới, bất ngờ tăng mạnh hơn kỳ vọng trong tháng Bảy.
Ngày 7/8 Trung Quốc cũng gây bất ngờ cho các thị trường khi công bố số liệu xuất khẩu tăng trưởng nhanh hơn dự kiến. Theo đó, nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới này đã nhập khẩu 8,79 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 7/2022, tăng so với mức thấp nhất trong bốn năm ghi nhận vào tháng Sáu. Tuy nhiên, con số trên vẫn thấp hơn 9,5% so với cùng kỳ một năm trước đó.
Tại châu Âu, xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga vẫn tiếp tục giữa bối cảnh lệnh cấm vận từ Liên minh châu Âu (EU) sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12.
Ông John Kilduff, đối tác của công ty môi giới đầu tư Again Capital LLC in New York, cho biết một lần nữa, những ảnh hưởng vĩ mô lại chi phối thị trường năng lượng. Đặc biệt khi các số liệu kinh tế cho thấy triển vọng nhu cầu năng lượng có thể lớn hơn trong tương lai so với hiện tại.
Các nhà phân tích tại ngân hàng Goldman Sachs bày tỏ niềm tin rằng kịch bản giá dầu tiếp tục tăng cao hơn vẫn còn khả thi, với thị trường thiếu hụt nguồn cung lớn hơn dự kiến trong những tháng gần đây.