Cụ thể, giá dầu Brent tăng 3% (1,61 USD) và khép phiên này ở mức 55,99 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đóng cửa ở mức 52,24 USD/thùng, tăng 2,8% (1,41 USD) và cũng là mức tăng cao nhất kể từ cuối tháng 2/2020.
Saudi Arabia trong tuần này đã cam kết tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu thêm 1 triệu thùng/ngày từ tháng Hai và tháng Ba tới, như một phần của thỏa thuận mới nhất giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất ngoài khối (còn gọi là nhóm OPEC+).
Trước đó, Saudi Arabia, nhà sản xuất dầu lớn nhất OPEC, đã bất đồng với một số nước muốn tăng sản lượng để ngăn các công ty dầu đá phiến của Mỹ chiếm thêm thị phần. Cuối cùng, một thỏa thuận đã đạt được cho phép Nga và một số nhà sản xuất dầu khác tăng sản lượng, trong khi Saudi Arabia hạn chế hoạt động sản xuất của mình. Các nhà sản xuất OPEC+ còn lại sẽ giữ sản lượng ổn định trong thời gian tới, khi ngày càng nhiều quốc gia phải siết chặn các hạn chế đi lại để kiểm soát đà lây lan của dịch COVID-19.
Một thông tin đáng chú ý khác là báo cáo của công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co. cho thấy số lượng giàn khoan dầu của Mỹ đã tăng thêm 8 giàn lên 275 giàn trong tuần này. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 5/2020 và là tuần tăng thứ bảy liên tiếp.
Nhìn chung, thị trường dầu thế giới đã có một tuần giao dịch khá “thăng hoa” với 4 phiên tăng liên tiếp và chỉ 1 phiên đi xuống.
Mở đầu tuần mới trong phiên 4/1, giá dầu giảm hơn 1% trong bối cảnh OPEC+ chưa quyết định được có tăng sản lượng trong tháng Hai hay không.
Nhưng ngay sau đó trong phiên ngày 5/1, giá dầu thế giới tăng gần 5% khi OPEC+ nối lại đàm phán và có tin Saudi Arabia tự nguyện cắt giảm sản lượng khai thác.
Đà tăng được duy trì sang phiên 6/1. Đáng chú ý là giá dầu WTI của Mỹ lần đầu tiên trong gần một năm qua khép phiên ở ngưỡng trên 50 USD/thùng. Thông tin về dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 8 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 1/1, cao hơn dự báo của giới phân tích cũng hỗ trợ thị trường trong phiên này.
Phiên 7/1, giá dầu thế giới vẫn tăng nhẹ. Thông tin về kế hoạch cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia vẫn là yếu tố chính “nâng đỡ” thị trường, với nhiều nhà phân tích cho rằng kế hoạch trên sẽ giúp thu hẹp nguồn cung trong quý I/2021 và góp phần củng cố giá “vàng đen”.
Với mức tăng khá mạnh trong phiên cuối tuần 8/1, thị trường năng lượng khép lại tuần giao dịch này với mức tăng 8,1% cho dầu Brent và 7,7% cho dầu WTI.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết giá dầu có thể trải qua đợt điều chỉnh trong những tháng tới nếu nhu cầu nhiên liệu vẫn suy yếu vì tác động từ đại dịch COVID-19. Những hạn chế nghiêm ngặt đối với việc đi lại và các hoạt động khác trên khắp thế giới để ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19 đang đè nặng lên doanh số bán nhiên liệu, làm suy yếu triển vọng phục hồi nhu cầu năng lượng trong nửa đầu năm 2021.
Trong báo cáo hồi tháng 12/2020, OPEC cho biết nhu cầu đối với dầu thô trong năm 2020 sẽ giảm 9,8 triệu thùng/ngày, cao hơn mức dự báo giảm 9,5 triệu thùng được đưa ra tháng trước. Sang năm 2021, nhu cầu có thể phục hồi khi tăng 6,2 triệu thùng, lên 96,3 triệu thùng/ngày, nhưng vẫn giảm 300.000 thùng so với dự báo trước đó.