Cụ thể, chốt phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn tại thị trường London (Vương quốc Anh) tăng 1,36 USD (3,29%) lên 42,65 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tại thị trường New York (Mỹ) tăng 1,45 USD (3,7%) lên 40,67 USD/thùng.
Các công ty năng lượng đã buộc phải cho đóng cửa các giàn khai thác dầu ngoài khơi khi cơn bão Delta mạnh lên cấp 2 và đang hướng đến Vịnh Mexico. Đây sẽ là cơn bão thứ 10 đổ bộ vào Mỹ trong năm nay và phá vỡ kỷ lục có từ hơn một thế kỷ trước.
Royal Dutch Shell Plc cho biết đang sơ tán những công nhân không cần thiết khỏi tất cả 9 cơ sở hoạt động ngoài khơi Vịnh Mexico và chuẩn bị đóng cửa sản xuất. Trong khi đó, Equinor ASA và BHP Group Ltd cũng ngừng hoạt động sản xuất và sơ tán công nhân.
Ngoài ra, cuộc đình công của công nhân dầu mỏ ở Na Uy cũng góp phần hỗ trợ giá “vàng đen” trong phiên này. Theo thống kê, sản lượng xăng dầu của Na Uy đã giảm 8% do cuộc đình công của công nhân dầu mỏ.
Tuy nhiên, sau khi đóng phiên, giá dầu đã quay đầu giảm, giữa bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định không đàm phán về một gói kích thích kinh tế cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 3/11. Các cuộc thảo luận chính thức giữa Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi với lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin và Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows nhằm tìm kiếm đồng thuận về một gói cứu trợ đã bắt đầu từ hôm 7/8 nhưng đến nay vẫn còn nhiều bất đồng.
Các nhà phân tích nhận định thông báo mới của ông Trump đã "dập tắt" những hy vọng về gói kích thích kinh tế mới và thúc đẩy hoạt động bán ra trên thị trường dầu mỏ. Thêm vào đó, theo các chuyên gia, sau khi đóng phiên, giá dầu còn chịu sức ép từ số liệu của Viện Xăng Dầu Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô của nước này tăng 951.000 thùng trong tuần trước, cao hơn nhiều so với dự kiến tăng 294.000 thùng của các nhà phân tích trong cuộc khảo sát do hãng Reuters tiến hành trước đó.