Chốt phiên giao dịch ngày 16/6, giá dầu Brent biển Bắc tăng 40 cent lên 74,39 USD/thùng, chạm mức cao nhất kể từ tháng 4/2019. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng lên 72,15 USD/thùng, sau khi chạm mức 72,99 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô đã giảm 7,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 11/6 khi công suất lọc dầu tại các nhà máy tăng lên 92,6%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2020, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Lượng dầu dự trữ giảm mạnh hơn dự kiến nhờ hoạt động xuất khẩu, một tín hiệu khác về nhu cầu trên toàn thế giới, cải thiện.
Giá dầu Brent đã tăng mạnh kể từ đầu năm đến nay nhờ thỏa thuận cắt giảm nguồn cung do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+, dẫn dắt và nhu cầu phục hồi. Các nhà giao dịch dầu dự kiến giá dầu sẽ duy trì trên 70 USD/thùng và nhu cầu sẽ phục hồi như mức trước đại dịch vào nửa cuối năm 2022.
Ngày 16/6, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đưa ra dự đoán về đợt tăng lãi suất đầu tiên sau đại dịch vào năm 2023. Ông Jim Ritterbusch, chủ tịch của Ritterbusch và Associates ở Galena, Illinois, cho biết thị trường dầu đã đón nhận thông tin này một cách khá lạc quan, và giá dầu dự kiến sẽ có thể tăng cao hơn trong tương lai.
Cùng lúc đó, các nhà phân tích cho biết triển vọng xuất khẩu dầu của Iran sắp gia tăng dường như ít có khả năng xảy ra. Các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Tehran và Washington về việc nối lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã diễn ra tại Vienna (Áo) hôm 12/6.