Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm tích cực vắc-xin ngừa COVID-19 và tiến triển của cuộc đàm phán giữa các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) về quỹ phục hồi kinh tế hậu đại dịch đã lấn át những lo ngại về nhu cầu năng lượng.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ WTI tăng 22 xu Mỹ (0,5%), lên 40,81 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 14 xu Mỹ (0,3%), lên 43,28 USD/thùng
Bjornar Tonhaugen, người đứng đầu mảng thị trường dầu mỏ của công ty Rystad Energy, cho biết, giá dầu sẽ không thể tạo ra bất kỳ mức tăng đáng kể nào cho đến khi có tín hiệu cho thấy đại dịch COVID-19 diễn biến chậm lại.
Theo thống kê của Reuters, hiện trên thế giới đã có hơn 14,5 triệu người mắc COVID-19 và hơn 604.000 người đã chết vì dịch bệnh này.
Thông tin về việc vắc-xin do Đại học Oxford và AstraZeneca đang phát triển có vẻ an toàn và tạo ra phản ứng miễn dịch trong thử nghiệm đã giúp hỗ trợ giá dầu trong phiên này.
Các nhà đầu tư hàng hóa cũng đang theo dõi những nỗ lực để đưa ra các biện pháp kích thích ở châu Âu và Mỹ nhằm giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Các nhà lãnh đạo EU dường như đang tiến gần tới thỏa hiệp về gói phục hồi kinh tế nội khối, trong khi các nhà lập pháp Mỹ dự kiến thảo luận về gói viện trợ bổ sung để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng.
Theo giới phân tích, quyết định hồi tuần trước của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh, được gọi chung là nhóm OPEC+, về nới lỏng mức sản lượng cắt giảm bắt đầu trong tháng 8/2020 là hành động đã được dự kiến ngay từ đầu nên sẽ không tác động mạnh tới thị trường. Trong khi đó, dù cho nhu cầu nhiên liệu đã phục hồi từ mức giảm 30% trong tháng 4/2020, khi nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp phong tỏa chặt chẽ, song mức tiêu thụ nhiên liệu hiện vẫn thấp hơn mức trước đại dịch.