Tại New York, đóng phiên 12/7, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 8/2019 tăng 1 xu Mỹ lên 60,21 USD/thùng. Tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 9/2019 tăng 20 xu lên 66,72 USD/thùng. Giá dầu Brent tăng 4% tính cả tuần này trong khi giá WTI tăng 4,7%.
Trong phiên giao dịch đầu tuần 8/7, giá dầu thế giới chuyển động ngược chiều nhau trong bối cảnh những căng thẳng liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran lấn át những lo ngại về việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại sẽ tác động đến nhu cầu dầu. Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 12 xu Mỹ xuống 64,11 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 15 xu Mỹ lên 57,66 USD/thùng.
Phiên giao dịch 9/7 chứng kiến giá dầu thế giới tăng nhẹ khi tình hình căng thẳng ở khu vực Trung Đông tác động tới thị trường “vàng đen”, trong khi xuất hiện những quan ngại về khả năng nhu cầu năng lượng toàn cầu chững lại. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 8/2019 tại thị trường New York tăng 17 xu Mỹ lên 57,83 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 9/2019 tại London tăng 5 xu Mỹ lên 64,16 USD/thùng.
Bước sang phiên giao dịch 10/7, giá dầu thế giới tăng khi dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến và khả năng xảy ra bão trên vịnh Mexico gây thêm lo ngại về sự thắt chặt nguồn cung dầu trên thị trường. Giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate của Mỹ giao tháng 8/2019 chốt phiên tăng 4,5%, lên 60,43 USD/thùng, mức cao trong bảy tuần tại Sàn giao dịch hàng hóa New York. Trong khi đó, giá dầu thô Brent giao tháng 9/2019 tăng 4,4%, lên 67,01 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 29/5 tại Sàn London ICE.
Phiên 11/7 ghi nhận giá dầu thế giới giảm do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự đoán nhu cầu dầu thô sẽ tăng chậm lại vào năm 2020. Phiên này, giá “vàng đen” có thời điểm chạm mức cao nhất trong hơn một tháng, sau khi các nhà sản xuất ở Mỹ cắt giảm khoảng 50% sản lượng tại Vịnh Mexico trước khả năng xảy ra cơn bão lớn đầu mùa.
Khép phiên, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 49 xu Mỹ xuống còn 66,52 USD/thùng, sau khi có thời điểm tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 30/5 là 67,65 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm 23 xu Mỹ và đóng phiên ở mức 60,20 USD/thùng, sau khi có thời điểm chạm mức “đỉnh” kể từ ngày 23/5 là 60,94 USD/thùng.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) thị trường dầu toàn cầu cho thấy mức dư cung khoảng 500.000 thùng/ngày trong quý II vừa qua thay vì thiếu hụt 500.000 thùng/ngày như dự đoán trước đó. Thông tin này ít nhiều cũng tác động tới thị trường dầu mỏ.