Ngoài ra, các dấu hiệu cho thấy nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng cao và những kỳ vọng vào gói cứu trợ mới của Mỹ nhằm giúp nền kinh tế nước này “chống chọi” với tác động của dịch COVID-19 cũng giúp đẩy giá dầu tăng cao.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) tăng 72 xu Mỹ (1,8%), lên 41,94 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 59 xu (1,3%), lên 44,99 USD/thùng.
Sau khi Nhà Trắng và các nghị sỹ đảng Dân chủ hồi tuần trước không đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ mới nhắm ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19, Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tuần trước đã ký sắc lệnh hành pháp để tạm dừng thu thuế quỹ lương, hỗ trợ các khoản vay của sinh viên, người dân thuê nhà và gia hạn một phần trợ cấp thất nghiệp bổ sung đã hết hiệu lực vào cuối tháng trước. Các biện pháp này gần như chắc chắn sẽ phải đối mặt với những thách thức pháp lý, nhưng nó đã thúc đẩy đảng Dân chủ và Chính quyền Tổng thống Trump quay trở lại bàn đàm phán.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí Saudi Aramco của Saudi Arabia, ông Amin Nasser, cuối tuần qua cho biết nhu cầu năng lượng đã “phục hồi phần nào”, đồng thời đánh giá cao sự phục hồi mạnh mẽ nhu cầu dầu thô tại các thị trường chủ chốt, thậm chí về mức gần như trước đại dịch COVID-19, như nhu cầu xăng và dầu diesel ở Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI của Trung Quốc trong tháng 7/2020 đã tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 2,5% hồi tháng Sáu, khi giá thịt lợn gần đây đã nhảy vọt và lũ lụt ở miền Nam Trung Quốc đã đẩy giá thực phẩm đi lên. Sự gia tăng này trùng khớp với dự báo.
Ngày 7/8 vừa qua, Iraq cho biết nước này sẽ cắt giảm sản lượng dầu thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 8 và tháng 9/2020 để bù đắp cho việc sản xuất quá mức trong ba tháng qua. Động thái này sẽ giúp Iraq tuân thủ chặt chẽ hơn hạn ngạch cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh, được gọi là OPEC+.