Tại thị trường New York (Mỹ), giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 6 tăng 45 cent Mỹ, tương đương 0,4% lên 108,26 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London (Anh), giá dầu Brent giao tháng 7 tăng 76 cent Mỹ, tương đương 0,7%, lên 110,90 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa cao nhất của dầu WTI kể từ ngày 25/3 và cũng là mức đóng cửa cao nhất đối với dầu Brent kể từ ngày 18/4.
Mặc dù vậy, áp lực từ đồng USD mạnh đã phần nào giữ giá dầu trong tầm kiểm soát. Cụ thể, chỉ số đồng USD, đo lường giá trị của đồng bạc xanh so với một rổ tiền tệ bao gồm 6 loại tiền tệ khác nhau, tăng 1,14% lên 103,7540 vào cuối phiên giao dịch 5/5. Thông thường, giá dầu có quan hệ tỷ lệ nghịch với giá của USD.
Giá dầu tăng trong bối cảnh Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) sẽ thực hiện từng bước lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga trong vòng từ 6-8 tháng. Lệnh cấm vận dầu mỏ của EU có thể sẽ buộc Nga phải chuyển hướng dòng chảy sang châu Á và cắt giảm mạnh sản lượng, trong khi EU sẽ phải cạnh tranh để có được nguồn cung sẵn có còn lại. Cả hai yếu tố này đều có khả năng đẩy giá dầu thô tăng lên. Tuy nhiên, trong cuộc họp tại Vienna (Áo) diễn ra ngày 5/5, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) ngày 5/5 vẫn nhất trí bám sát các kế hoạch hiện nay về mức tăng sản lượng dầu 432.000 thùng/ngày trong tháng 6/2022, bất chấp giá dầu thô tăng.