Công nhân làm việc tại cơ sở lọc dầu ở Saint-Mery, Pháp ngày 31/8. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chỉ cách đây vài tuần, ít ai nghĩ đến điều này. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày 6/11, giá dầu Brent Biển Bắc đã chạm mức cao nhất trong hai năm qua, xóa đi những nghi ngờ về khả năng giá dầu có thể vượt ngưỡng 60 USD/thùng, vào thời điểm sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng lên.
Giá dầu thô mạnh lên phần nào phản ánh thành công của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong nỗ lực cắt giảm sản lượng. Đà tăng giá của dầu thô diễn ra vào chu kỳ hồi phục của kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, tình hình bất ổn gia tăng tại Saudi Arabia sau vụ bắt giữ 11 hoàng tử và nhiều quan chức chính phủ và doanh nghiệp vào cuối tuần qua cũng góp phần gây sức ép lên giá dầu, bởi Saudi Arabia là nước sản xuất dầu mỏ lớn (cứ 9 thùng dầu sản xuất trên toàn cầu thì có một thùng được sản xuất tại nước này).
Với sự gia tăng gần đây của giá dầu thô, một câu hỏi được đặt ra là liệu dầu mỏ có thể tăng lên mức nào? Các nhà phân tích thuộc ngân hàng Bank of America Merrill Lynch vừa đề cập tới khả năng giá dầu thô Brent sẽ sớm chạm mức cao 75 USD/thùng trong tương lai gần. Một số chuyên gia cho rằng ngưỡng 70 USD/thùng là điều có thể xảy ra.
Bất chấp việc giá dầu thô mạnh lên sẽ dẫn tới làn sóng cạnh tranh về cung cấp dầu thô, các thành viên OPEC vẫn không bỏ lỡ cơ hội thu về khoản doanh thu lớn hơn nhờ giá dầu tăng. Chuyên gia Francisco Blanch thuộc Bank of America nhận định rằng mặc dù giá dầu thô tăng mạnh trong thời gian gần đây, song các hợp đồng kỳ hạn vẫn chủ yếu giao dịch dựa trên mức giá quanh ngưỡng 55 USD/thùng.
Điều này cho thấy thị trường dầu mỏ vẫn chưa sẵn sàng cho khả năng mua vào để chuẩn bị cho tình huống giá dầu tiếp tục tăng cao trong tương lai. Bên cạnh đó, chuyên gia này lưu ý rằng chỉ cần giá dầu thô chạm ngưỡng 60 USD/thùng, sản lượng dầu mỏ của Mỹ cũng sẽ bắt đầu tăng với nhịp độ trên 1 triệu thùng/ngày, cao hơn 50% so với dự báo hiện nay.