Tính đến khoảng 7h30 GMT (tức 14h30 giờ Việt Nam), giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 5,6% xuống mức 103,31 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm 5,2% xuống còn 108,62 USD/thùng.
Trong những tháng gần đây, giá dầu thô tăng lên mức cao trong nhiều năm bởi lo ngại nguồn cung hạn chế, do xung đột Nga-Ukraine gây ra, sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu dầu tăng lên khi kinh tế thế giới mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19. Trong khi đó, nhiều ngân hàng trung ương buộc phải tăng lãi suất cho vay khi giá năng lượng tăng cao đẩy lạm phát tăng vọt lên các mức cao chưa từng thấy kể từ đầu năm 1980. Động thái này làm dấy lên lo ngại nhiều nền kinh tế trên thế giới sẽ rơi vào suy thoái, tác động xấu đến thị trường dầu mỏ. Giới chuyên gia cũng đang dồn sự chú ý đến phiên điều trần của Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell trước Quốc hội Mỹ trong tuần này về kế hoạch chống lạm phát.
Chứng khoán toàn cầu cũng giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 22/6 khi nhà đầu tư bình tĩnh trở lại một thời gian ngắn sau đợt bán tháo tuần trước.
Tại Á, các thị trường chứng khoán Hong Kong, Tokyo, Thượng Hải, Sydney, Singapore, Seoul, Manila, Jakarta và Bangkok đều chìm trong sắc đỏ. Chốt phiên, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo (Nhật Bản) giảm 0,4% xuống còn 26.149,55 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) “bốc hơi” 2,4% xuống mức 21.040,37 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 1,2%, chốt phiên 3.267,20 điểm.
Tại châu Âu, nhiều chỉ số chứng khoán dự kiến đà giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch hôm nay khi giá dầu và kim loại giảm. Tính đến khoảng 14h30 giờ Việt Nam, chỉ số STOXX 600 tổng hợp chứng khoán toàn châu Âu giảm 1,5% xuống mức thấp mới kể từ tháng 2/2021, tiếp tục đợt bán tháo chứng khoán thế giới tuần qua. Chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 1,3% xuống 7.057,87 điểm khi số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ lạm phát của nước này tăng lên 9,1%, mức cao nhất trong 40 năm qua.