Một nhà máy lọc dầu ở ngoại ô Doha, Qatar ngày 1/2/2006. Ảnh: AFP/TTXVN |
Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/6, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) tăng 28 cent (0,6%), lên 44,74 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 8/2016 tăng 45 cent (1%), lên 47,37 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu thô vẫn đi xuống tuần thứ tư liên tiếp, chuỗi tuần giảm giá dài nhất kể từ tháng 8/2015 đối với giá dầu WTI. Tính chung cả tuần qua, giá dầu WTI hạ 2,4% và dầu Brent mất 1,6%.
Những tín hiệu về dự trữ dầu mỏ của Mỹ giảm và việc Saudi Arabia tuyên bố sẽ hạn chế lượng dầu xuất khẩu sang một số nước châu Á trong tháng 7/2017, đồng thời giảm mạnh lượng dầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đã giúp giá dầu liên tiếp đi lên trong hai phiên giao dịch đầu tuần này.
Tuy nhiên, xu hướng này nhanh chóng bị chặn lại trong phiên giao dịch ngày 14/6 và cả hai loại dầu chủ chốt đều giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2017 do lo ngại về nguồn cung toàn cầu dư thừa tiếp tục gây sức ép lên thị trường.
Diễn biến của thị trường năng lượng tiếp tục ảm đạm trong phiên 15/6 trước khi phục hồi vào phiên cuối tuần (ngày 16/6), nhờ một số nhà sản xuất dầu mỏ lớn trên thế giới siết chặt hoạt động xuất khẩu và nhịp độ tăng lượng giàn khoan hoạt động tại Mỹ bắt đầu chậm lại. Dù vậy, biên độ tăng của giá dầu trong phiên này vẫn hẹp và thị trường “vàng đen” không tránh khỏi một tuần tiếp tục mất giá.
Bên cạnh đó, sản lượng và lượng dầu xuất khẩu của Nga ở mức cao cũng là một yếu tố kéo dài tình trạng dư cung trên thị trường toàn cầu. Dự báo, Nga sẽ xuất khẩu 61,2 triệu tấn dầu bằng đường ống trong quý III/2017 (khoảng 5 triệu thùng/ngày), tăng so với mức ước tính 60,5 triệu tấn trong quý II/2017.