Giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ được bán ra ở mức 30 USD/thùng, tăng 4,53%. Giá dầu Brent Biển Bắc tăng 2,96%, lên mức 30,94 USD/thùng sau khi mất hơn 10% chỉ sau một đêm, xuống dưới 30 USD/thùng lần đầu tiên trong vòng 4 năm qua.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, sự phục hồi này sẽ chỉ mang tính tạm thời do chính sách hạn chế đi lại và các biện pháp mạnh mẽ nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 sẽ tiếp tục làm suy yếu nhu cầu trong khi dư thừa nguồn cung.
Trưởng nhóm chiến lược thị trường toàn cầu Stephen Innes của hãng Dịch vụ Tài chính AxiCorp có trụ sở tại Sydney (Australia) nhận định thị trường đang được các nhà đầu cơ hỗ trợ một cách cơ học bằng việc tăng cường mua tích trữ, tuy nhiên các kho dự trữ dầu sẽ nhanh chóng được lấp đầy. Khi đã đáp ứng đủ nhu cầu mua vào, giá dầu chắc chắn sẽ tiếp tục giảm sâu. Khi đó, các thị trường toàn cầu sẽ phải trông chờ vào việc căng thẳng giữa Saudi Arabia và Nga được giải quyết trước khi leo thang đến mức không thể quay đầu.
Cuộc chiến giá dầu đã bùng phát sau khi Saudi Arabia - trụ cột của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) - đề xuất liên minh giữa OPEC và các nước xuất khẩu dầu mỏ ngoài khối này cắt giảm sản lượng để ngăn chặn các tác động xấu của dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, Nga - đối tác của liên minh và nước xuất khẩu dầu đứng thứ hai thế giới - đã phản đối ý định này và khẳng định sẽ tăng sản lượng. Tình huống này được dự báo là sẽ khiến thị trường dầu mỏ lại phải đối mặt với nguy cơ dư thừa nguồn cung.