Diễn biến địa chính trị phức tạp, đặc biệt là sự leo thang căng thẳng tại “chảo lửa” Trung Đông đã liên tục tác động mạnh tới giá hàng hoá trong tuần. Trước các yếu tố bất định, nhóm kim loại với vai trò trú ẩn an toàn tiếp tục khẳng định sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Trái lại, giá năng lượng ghi nhận đà giảm khi rủi ro địa chính trị tạm thời chưa ảnh hưởng tới nguồn cung thực tế, trong khi nhu cầu có phần suy yếu. Thị trường hàng hoá ghi nhận tuần giao dịch sôi động, với giá trị giao dịch trung bình tăng 3% lên hơn 7.700 tỷ đồng mỗi phiên.
Lệnh cấm kim loại Nga kéo giá đồng, nhôm, niken tăng vọt
Hầu hết các mặt hàng kim loại đều tăng giá trong tuần giao dịch trước, ngoại trừ bạch kim. Trong đó, đồng, nhôm, thiếc và niken là những mặt hàng tăng giá mạnh nhất.
Dữ liệu cho thấy nền Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ 5,3% trong quý I/2024, đánh bại kỳ vọng của thị trường với mức tăng 4,8% và cao hơn mức tăng 5,2% của quý IV/2023, củng cố cho triển vọng tiêu thụ kim loại công nghiệp, thúc đẩy đà tăng giá.
Riêng với đồng, nhôm, niken, giá ba mặt hàng này còn được hưởng lợi do lo ngại rủi ro nguồn cung gián đoạn khi Mỹ và Anh cấm nhôm, đồng và niken do Nga sản xuất. MXV cho biết, Nga vốn là nhà sản xuất kim loại quan trọng, chiếm 6% nguồn cung niken toàn cầu, 5% nguồn cung nhôm và 4% nguồn cung đồng.
Thêm vào yếu tố hỗ trợ cho giá niken, Trung Quốc đang lên kế hoạch mua 200.000 tấn gang niken (NPI). Trong khi đó, Indonesia, nhà sản xuất niken lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp niken chính cho Trung Quốc, vẫn đang xem xét phê duyệt hạn ngạch khai thác và nguồn cung quặng ngày càng khan hiếm.
Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc tăng 1,81% lên 28,84 USD/ounce, duy trì ở vùng đỉnh 3 năm. Mặc dù chịu áp lực từ yếu tố vĩ mô, nhưng giá bạc vẫn được hỗ trợ nhờ phát huy vai trò trú ẩn khi xung đột tại Trung Đông leo thang và rủi ro nguồn cung thiếu hụt. Viện Bạc quốc tế cho biết thâm hụt bạc toàn cầu dự kiến sẽ tăng 17% lên 215,3 triệu ounce vào năm nay.
Trái lại, giá bạch kim với vai trò trú ẩn kém hơn, đã quay đầu giảm 5,78% về 943,8 USD/ounce, đứt chuỗi tăng 3 tuần liên tiếp trước rủi ro Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giữ lãi suất cao lâu hơn làm lu mờ vai trò trú ẩn.
Áp lực nhu cầu lấn át rủi ro địa chính trị, giá dầu có tuần giảm thứ hai
Ở diễn biến ngược lại, giá dầu ghi nhận tuần giao dịch 15 - 21/4 với biến động rất mạnh, có thời điểm tăng cao trước lo ngại về rủi ro địa chính trị, nhưng cũng hạ nhiệt nhanh chóng bởi các áp lực tâm lý được giải toả. Ngoài ra, áp lực kinh tế vĩ mô cũng ảnh hưởng tới triển vọng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu. Chốt tuần, giá dầu WTI giảm 3,36% xuống 82,22 USD/thùng. Dầu Brent mất mốc 90 USD/thùng, giảm 3,49% xuống 87,29 USD/thùng.
Ngay đầu tuần trước, trái với nhiều dự báo, giá dầu mở cửa tuần giảm nhẹ do căng thẳng giữa Iran và Israel ít gây thiệt hại hơn dự đoán, làm giảm bớt lo ngại về một cuộc xung đột leo thang có thể thay ảnh hưởng tới nguồn cung dầu mỏ.
Tuy nhiên, vào cuối tuần, các nguồn tin quốc tế cho biết Israel đã tiến hành một cuộc tấn công trên đất Iran. Giá dầu ngay lập tức tăng vọt 3 USD/thùng chỉ trong vòng 1 tiếng. Nhưng sau đó, áp lực bán nhanh chóng kéo giá quay đầu giảm trở lại khi tính chất căng thẳng vẫn còn hạn chế. Việc giá dầu liên tục biến động mạnh theo cả hai chiều, cho thấy rủi ro địa chính trị đang ảnh hưởng rất lớn tới xu hướng giá trong giai đoạn này.
Cùng tạo sức ép lên giá dầu trong tuần qua, báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ tăng 2,7 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 12/4, lên mức đỉnh cao nhất kể từ tháng 6/2023.
Các nhà phân tích tại JPMorgan Chase nhấn mạnh mức tiêu thụ dầu trên toàn thế giới tính đến tháng 4 đã thấp hơn 200.000 thùng/ngày so với dự báo của họ, trung bình đạt 101 triệu thùng/ngày. Từ đầu năm, nhu cầu đã tăng 1,7 triệu thùng/ngày, giảm so với dự báo trước đó là 2 triệu thùng/ngày.