Theo các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh, trong thời gian gần đây, giá lợn hơi liên tục giảm mạnh, trong khi chi phí chăn nuôi, giá thức ăn tăng cao khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. Trước thực trạng này, nhiều hộ buộc phải “treo chuồng” do không đủ chi phí duy trì đàn, tái đàn.
Có gần 10 năm gắn bó với nghề chăn nuôi lợn, chưa năm nào, ông Đặng Đức Bình, ấp Đông Linh, xã Bình Giã, huyện Châu Đức lại thấy khó khăn như hiện nay. Từ đầu năm đến nay, giá lợn hơi liên tục hạ thấp, đỉnh điểm hiện nay giá lợn chỉ còn ở mức 36-40 nghìn đồng/kg, giảm gần 50% so với đầu năm. Đã vậy, lợn đến kỳ xuất bán lại không tiêu thụ được.
Gia đình ông Bình hiện đang nuôi 5 con lợn nái và khoảng 50 con lợn thịt. Cách đây 2 tháng, ông xuất bán với giá 50.000 đồng/kg nhưng cũng không có lãi, dù gia đình ông không phải bỏ tiền mua lợn giống về nuôi, do đã sử dụng giống do lợn nái của gia đình sinh ra. Đến nay, trong chuồng của gia đình ông Bình đang có 15 con đã đến kỳ xuất chuồng nhưng nhiều lần gọi nhưng thương lái không đến mua.
Ông Bình cho biết, với mức giá như hiện nay, gia đình ông nếu có bán sẽ lỗ từ 1,2 – 1,5 triệu đồng/con lợn. Còn nếu không bán thì càng nuôi gia đình ông sẽ càng thua lỗ.
Trước tình trạng này, ông Bình không dám phối giống thêm cho 5 con nái mà chỉ dám duy trì đàn hiện tại, tận dụng các phụ phẩm gia đình cho để cho lợn ăn, nhằm bớt phần nào chi phí từ thức ăn cho lợn đang đội lên hàng ngày.
Giá lợn hơi xuất chuồng giảm, nhưng giá thức ăn chăn nuôi lại tăng mạnh từ 30 - 40% so với năm ngoài, khiến người chăn nuôi càng thêm thua lỗ. Theo thống kê của Hội Nông dân xã Bình Giã – một trong những địa phương có số hộ dân nuôi lợn nhiều nhất của huyện Châu Đức, thời điểm này địa phương chỉ còn chưa tới 100 hộ nuôi lợn với tổng đàn khoảng 3.000 con. Những năm trước, số hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn xã có lúc đến tới 1.000 hộ.
Ông Nguyễn Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Giã (huyện Châu Đức) cho biết, năm 2021 giá lợn hơi giảm thấp, đa số người chăn nuôi trên địa bàn xã Bình Giã không dám bỏ chi phí lớn ra đầu tư chăn nuôi như trước, chỉ tận dụng phụ phẩm bắp, đậu…. để nuôi cầm cự. Một số hộ gia đình bán được lợn nhưng giá quá thấp, không đủ chi phí đầu tư, nên hầu hết người chăn nuôi trên địa bàn xã hiện nay không tái đàn.
Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Hiền, ở khu phố Phước Hòa, thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc đang nuôi 50 con lợn thịt; trong đó có 35 con đã nuôi quá kỳ 2 tháng rưỡi. Giá lợn hơi giảm mạnh, thấy rõ thua lỗ trong khi nhiều lần gọi thương lái mà họ không đến thu mua; lợn giữ lại trong chuồng thêm ngày nào chi phí tăng ngày đó, lỗ càng thêm lỗ khiến bà Hiền như ngồi trên đống lửa.
Bà Hiền nhẩm tính, với mức giá từ 36 - 40 nghìn đồng/kg lợn hơi như hiện nay, trung bình mỗi con lợn nếu xuất bán được, bà Hiền lỗ gần 2 triệu đồng/con. Đến thời điểm này, chi phí cho đàn lợn bà Hiền đã đầu tư chi phí từ con giống, thức ăn, thuốc thú y với gần 200 triệu đồng; trong đó còn nợ tiền thức ăn hơn 40 triệu đồng.
Bà Hiền cũng cho biết thêm, nếu như những năm trước, giá lợn hơi mặc dù giảm sâu hơn hiện nay nhưng vẫn có thương lái đến thu mua đều. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thương lái từ các địa phương khác vào tỉnh gặp khó nên lợn thương phẩm hầu như không tiêu thụ được.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nguyên nhân khiến giá lợn hơi giảm mạnh là do vừa qua, sản lượng thịt lợn nhập khẩu nhiều, trong khi nhiều trang trại lớn trong nước cũng đã tăng đàn mạnh khiến lợn tồn đọng với số lượng lớn. Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp làm đứt gãy chuỗi cung ứng, các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, nhiều chợ phải tạm đóng cửa. Một số khu giết mổ phải dừng hoạt động, thu nhập của người dân giảm nên chi tiêu tiết kiệm... kéo giá thịt lợn giảm sâu, khó xuất chuồng hơn trước.
Chăn nuôi không hiệu quả khiến nhiều trang trại cũng như các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện nay chỉ dám nuôi cầm chừng. Một số hộ chăn nuôi đã phải “treo chuồng” vì không đủ chi phí gánh thêm thua lỗ.