Ông nhìn nhận như thế nào về những rủi ro mà người chăn nuôi phải đối mặt khi Trung Quốc ồ ạt thu mua lợn mỡ nhưng sau đó hạn chế nhập?Thời gian qua, sản lượng lợn mỡ xuất khẩu sang Trung Quốc không có con số thống kê chính xác. Ở cửa khẩu Cao Bằng hoặc Lạng Sơn, có ngày xuất khẩu lên tới 50 - 60 xe hoặc tại cửa khẩu Móng Cái có ngày xuất khẩu lên tới 30 xe. Nhưng có ngày lại chỉ xuất khẩu được vài xe thịt lợn.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi. |
Thực tế, xuất khẩu lợn mỡ sang Trung Quốc hoàn toàn theo tiểu ngạch nên rủi ro lớn đối với người chăn nuôi vì luôn trong tình trạng bị động, nhất là khi giá hạ. Người chăn nuôi sẽ càng rủi ro hơn khi thấy giá cao lại đẩy mạnh chăn nuôi. Vì sau 4 đến 6 tháng số lượng thịt lợn sẽ dư thừa, giá chắc chắn giảm. Thực tế, ở thời điểm sau tháng 3 vừa qua, do giá lợn tăng nên chăn nuôi lợn cũng gia tăng đột biến khoảng 20%. Đến nay, khi Trung Quốc siết chặt việc nhập khẩu, giá thịt lợn đã giảm mạnh, dự kiến giá thịt lợn còn giảm do dư nguồn cung.
Bên cạnh đó, Trung Quốc chủ yếu sử dụng lợn lớn khoảng trên 1 tạ, nhiều mỡ. Vì thế, nếu thời gian tới, Trung Quốc dừng thu mua lợn mỡ sẽ dẫn đến tình trạng lợn mỡ trên 1 tạ khó tiêu thụ tại thị trường trong nước. Người chăn nuôi tăng đàn trong lúc giá lợn cao, đồng nghĩa với việc giá con giống cao, khiến họ đối diện với rủi ro càng cao.
Điệp khúc “ồ ạt nhập khẩu, đẩy giá lên cao sau đó dừng thu mua” của thương lái Trung Quốc đã xảy ra với nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam, phải chăng không có cách nào khắc phục điều này, thưa ông?Để có kế hoạch chủ động cho ngành chăn nuôi nói riêng, xuất khẩu nông sản nói chung thì xuất khẩu hay nhập khẩu nông sản đều phải tiến hành theo đường chính ngạch. Khi ấy, nông sản Việt Nam sẽ không bị rơi vào trình trạng cung - cầu mất cân đối, lại giúp chúng ta kiểm soát tốt an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, xuất khẩu chính ngạch không thể đơn phương thực hiện mà phải có sự thỏa thuận giữa hai nước.
Hơn nữa, khi xuất khẩu hàng hóa chính ngạch, chất lượng sản phẩm phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu hoặc tiêu chuẩn vùng. Sản phẩm chăn nuôi nói riêng, nông sản nói chung của Việt Nam còn có hạn chế về an toàn thực phẩm nên muốn xuất khẩu chính ngạch không đơn giản.
Trước mắt, để giảm thiểu rủi ro cho người chăn nuôi, ông sẽ có những khuyến cáo gì?Về việc thu mua lợn mỡ, Trung Quốc chỉ thu mua khi nhu cầu thiếu hụt, không có kế hoạch trước. Việc thu mua hoàn toàn thông qua các thương lái Việt Nam và thương lái Trung Quốc. Do vậy, người chăn nuôi cần lưu ý, để tránh rủi ro không nên ồ ạt thay thế đàn ở thời điểm giá cao, ngược lại cũng không nên bỏ chuồng tại thời điểm giá xuống. Khi đã xác định chăn nuôi là nghề thì phải đảm bảo sự ổn định, đều đặn mới đem lại lợi nhuận.
Về lâu dài, để đảm bảo sự phát triển ổn định, người chăn nuôi nên tiến hành chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã ban hành 8 VietGAP mới cho trang trại và 2 VietGAP mới cho nông hộ. Những VietGAP này được xây dựng đơn giản hơn nhiều so với trước, giảm khoảng 30 chỉ tiêu nhưng vẫn đảm bảo an toàn và đảm bảo phù hợp với vùng. Bên cạnh đó, tăng cường giống vật nuôi bản địa có chất lượng cao, chăn nuôi theo các tổ hợp tác, hợp tác xã để thành lập các chuỗi sản xuất thì ngành chăn nuôi mới phát triển bền vững được.
Xin cảm ơn ông! Theo Bộ NN&PTNT: Trong tháng 7, giá thu mua lợn hơi tại các tỉnh phía Nam diễn biến theo xu hướng giảm. Tại Đồng Nai, giá lợn hơi bán ra tại các trại hiện chỉ còn 42.000 - 43.000 đ/kg, giảm 5.000 - 6.000 đ/kg so với mức giá cuối tháng 6. Nếu so với thời điểm tháng 4 và đầu tháng 5, giá lợn hơi tại Đồng Nai đã giảm 12.000 - 13.000 đồng/kg, tương đương mức giảm hơn 23%. Tại một số địa phương như Vĩnh Long, An Giang, giá đã giảm 500 đồng/kg và 1.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng 7, với giá 42.500 đồng/kg và 44.000 đồng/kg. |