Tuy giá lợn tăng nhưng các hộ nuôi hiện vẫn khá dè dặt tái đàn. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN |
Tuy giá lợn tăng nhưng các hộ nuôi hiện vẫn khá dè dặt tái đàn do thị trường tiêu thụ khó đoán.
Anh Nguyễn Quốc Phong, xã Hiếu Trung, huyện Tiểu Cần cho biết, gia đình anh nuôi lợn đã hơn 10 năm nhưng chưa có khi nào giá lợn hơi thương phẩm thấp hơn giá thành trong thời gian dài như vậy.
Những năm trước, gia đình anh thường xuyên duy trì đàn lợn nái 20 con và đàn lợn thịt 100 con, thu lợi nhuận gần 500 triệu đồng/năm. Nhưng hơn 1 năm qua, gia đình anh chỉ nuôi cầm cự vài con lợn nái. Hiện giá lợn tăng nhưng anh Phong vẫn chưa có ý định tái đàn, do lo ngại giá lợn vẫn còn “nhảy múa” trong thời gian tới.
Cùng suy nghĩ trên, gia đình ông Nguyễn Văn Cần, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh chia sẻ, năm 2017, giá lợn hơi luôn ở mức thấp nên sau 4 đợt nuôi xuất bán khoảng 200 con, gia đình ông thua lỗ hơn 100 triệu đồng.
Theo ông Cần, với giá lợn hơi hiện nay, người nuôi đã có lợi nhuận nhưng sau đợt thua lỗ vừa qua, gia đình ông cũng như nhiều hộ nuôi khác ở địa phương đã rơi vào tình cảnh “treo chuồng” hoặc nuôi “cầm chừng” nên không còn nhiều nguồn lợn để bán. Mặc dù ông Cần rất muốn tái đàn nhưng vẫn e ngại thị trường còn bấp bênh, không đảm bảo đầu ra sau vài tháng nuôi.
Ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến những khó khăn vừa qua đối với ngành chăn nuôi là tình trạng cung vượt cầu, do thiếu sự phối hợp, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ để tạo chuỗi liên kết ổn định.
Giá lợn tăng là cơ hội để ngành chăn nuôi của tỉnh phục hồi nhưng nông dân cần cẩn trọng tránh tăng đàn ồ ạt, do thị trường tiêu thụ hiện vẫn rất khó đoán.
Theo ông Trần Trung Hiền, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đang rà soát lại quy hoạch, điều chỉnh quy mô đàn gia súc, gia cầm phù hợp với nhu cầu thị trường. Đồng thời vận động hộ chăn nuôi tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã, chăn nuôi theo mô hình liên kết giữa sản xuất- tiêu thụ để chia sẻ khoa học kỹ thuật, cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng.
Hơn 1 năm qua, ngành chăn nuôi ở Trà Vinh gặp nhiều khó khăn do giá lợn hơi luôn ở mức thấp; đặc biệt có thời điểm giá lợn hơi giảm sâu chỉ còn 2 triệu đồng/tạ; trong khi tổng chi phí sản xuất là 3,6 triệu đồng/tạ. Thua lỗ kéo dài nên nhiều hộ nuôi lợn rơi vào cảnh “treo chuồng”.
Riêng năm 2017, tổng đàn lợn của tỉnh đã giảm gần 22% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, đàn nái giảm 40%. Vì thế, hiện nay tổng đàn lợn toàn tỉnh chỉ còn hơn 300.000 con.