Ruộng muối ở phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa vẫn chưa thể sản xuất do ngập nước.
|
Vụ muối 2017, phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa có 400 ha ruộng sản xuất muối; trong đó, diêm dân và hợp tác xã gần 150 ha, còn lại của Xí nghiệp Muối xuất khẩu Hòn Khói.
Bà Trương Thị Chiệu, Chủ tịch UBND phường Ninh Diêm cho biết, đến nay, địa phương mới sản xuất được khoảng 400 tấn muối, chỉ đạt 5% kế hoạch của cả năm 2017, trong khi chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là kết thúc vụ muối. Sản lượng muối làm ra chủ yếu là của Xí nghiệp Muối xuất khẩu Hòn Khói, còn hợp tác xã và hộ dân hầu như chưa sản xuất được muối.
Theo đó, giá bán muối sản xuất trên bạt hiện ở mức 1.500 đồng/kg, muối sản xuất trên nền đất là 1.200 đồng/kg, lần lượt cao gấp từ 2,5 – 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, năm nay có mưa nhiều khiến diêm dân không sản xuất được muối để bán nên đời sống gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Tấn Cường, 56 tuổi, phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa, sản xuất muối là nghề chính của người dân địa phương. Do không sản xuất được muối từ đầu vụ đến nay, nhiều người đã phải đi nơi khác tìm việc làm để có thu nhập trang trải cuộc sống.
Ghi nhận trong ngày 22/6, các cánh đồng sản xuất muối ở thị xã Ninh Hòa đều vắng bóng diêm dân. Nhiều ruộng muối bị ngập nước sâu từ 40 – 50 cm do những cơn mưa vừa qua. Ở nhiều cánh đồng, rong rêu phủ kín mặt ruộng do lâu ngày không tổ chức sản xuất…
Vụ muối 2017, tỉnh Khánh Hòa có 975 ha ruộng sản xuất muối, tập trung chủ yếu ở thị xã Ninh Hòa với gần 800 ha, phân bố ở các phường: Ninh Diêm, Ninh Hải, Ninh Thủy và xã Ninh Thọ.
Chi cục Phát triển nông thôn Khánh Hòa cho biết, đến nay, toàn tỉnh mới sản xuất được trên 9.500 tấn muối, chỉ bằng khoảng 1/5 so với cùng kỳ năm trước. Lượng muối này do công ty, xí nghiệp sản xuất, còn diêm dân và hợp tác xã vẫn chưa sản xuất được muối.
UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 661/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020.
Theo đó, tỉnh hỗ trợ diêm dân, hợp tác xã 100% lãi suất vốn vay ngân hàng để đầu tư sản xuất muối kết tinh trên bạt; định mức cho vay không quá 50 triệu đồng/ha; hạn mức vay tối đa đối với cá nhân không quá 250 triệu đồng, đối với hợp tác xã không quá 500 triệu đồng...
Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức phổ biến cho diêm dân biết những chính sách của UBND tỉnh Khánh Hòa về hỗ trợ vay vốn ngân hàng để sản xuất muối. Tuy nhiên, diêm dân cũng không mặn mà với việc vay vốn, bởi nghề sản xuất muối phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thời tiết.
Tỉnh Khánh Hòa cũng đang tiến hành tái cơ cấu nghề muối. Theo đó, đến năm 2020 tỉnh thu hẹp diện tích sản xuất muối còn 510 ha, sản lượng đạt khoảng 61.000 tấn.