Vào lúc 0 giờ 43 phút sáng 28/4 theo giờ Việt Nam, giá palladium tăng 0,9% lên 2.952,01 USD/ounce. Kim loại quý này đã có lúc chạm mức cao kỷ lục trong phiên là 2.962,50 USD/ounce.
Chiến lược gia hàng hóa Daniel Ghali của TD Securities cho biết tình trạng thiếu hụt nguồn cung palladium trên thị trường tồi tệ hơn so với dự báo hồi đầu năm. Điều đó sẽ đẩy giá kim loại quý này tăng cao hơn nữa trong thời gian tới. Theo ông Daniel, giá palladium có thể tăng lên mốc 3.000 USD/ounce vào tháng tới.
Giá palladium, được sử dụng trong bộ chuyển đổi xúc tác để làm sạch khói thải ô tô, đã tăng 20% giá trị từ đầu năm 2021 đến nay.
Trong khi đó, giá vàng giao ngay hạ 0,1% xuống 1.778,01 USD/ounce trong bối cảnh nhà đầu tư đang chờ đợi kết quả cuộc họp của Fed. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng giảm 0,1% xuống 1.778,8 USD/ounce.
Jeffrey Sica, nhà sáng lập Circle Squared Alternative Investments, cho biết các nhà đầu tư vàng sẽ theo dõi bất kỳ dấu hiệu nào từ Fed để xem ngân hàng này có nhìn nhận lạm phát được duy trì trong dài hạn hay không. Nếu điều đó được khẳng định và dự báo lạm phát sẽ tăng cao hơn có thể giúp vàng vượt mốc 1.800 USD/ounce.
Vàng vốn được coi là kênh đầu tư an toàn trong thời kỳ lạm phát tăng cao - có khả năng xảy ra sau các biện pháp kích thích lớn, trong khi lợi tức trái phiếu chính phủ tăng làm giảm sức hấp dẫn của những tài sản không sinh lợi như vàng trong năm nay.
Cuộc họp chính sách của Fed, kết thúc vào ngày 28/4, dự kiến sẽ không có bất kỳ sự thay đổi chính sách lớn nào, tuy vậy giới đầu tư hiện hướng sự chú ý đến phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell về triển vọng kinh tế Mỹ.
Các nhà phân tích đã hạ dự báo giá vàng, với nhiều người tin rằng việc quay trở lại mức cao kỷ lục của năm ngoái là khó có thể xảy ra khi nền kinh tế phục hồi.
Giá bạc tăng 0,4% lên 26,32 USD/ounce. Giá bạch kim giảm 0,2% xuống 1.240,84 USD/ounce.
Tại Việt Nam, đầu giờ sáng ngày 28/4, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 55,30 - 55,67 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).