Một cửa hàng vàng ở Yangon, Myanmar. Ảnh: THX/TTXVN |
Cuối phiên này, tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay tăng 0,5%, lên 1.308,31 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 26/9 là 1.310,30 USD/ounce vào đầu phiên. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn cũng tiến 0,1%, lên 1.310,50 USD/ounce.
Trong hai tuần qua, vàng liên tục đóng cửa trên các mức trung bình của 100 ngày và 200 ngày, đồng thời cũng “xuyên thủng” mức kháng cự 1.300 USD/ounce vào ngày 29/11.
Giá vàng giao ngay đã tăng 13% trong năm 2017, ghi dấu năm giao dịch tốt nhất kể từ năm 2010. Đồng USD suy yếu, căng thẳng địa chính trị gia tăng tại nhiều khu vực trên thế giới và những lo ngại về tác động của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất được đẩy lùi đã khiến vàng hưởng lợi.
Hiện vẫn còn một số nhân tố tiềm ẩn có khả năng hỗ trợ cho giá vàng tới hết tháng Một nhờ nhu cầu mua vàng vật chất tăng cao trước Tết Nguyên đán.
Phiên này, giá bạc tăng 0,5%, lên 17,04 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 0,2%, lên 927,49 USD/ounce.
*
Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á chào sàn Năm Mới lên điểm, khi các nhà đầu tư trở lại giao dịch sau kỳ nghỉ lễ, dẫn đầu là thị trường Hong Kong.
Chỉ số Hang Seng của Hong Kong chốt phiên tăng 1,99%, hay 596,16 điểm, lên 30.515,31 điểm, mức cao kỷ lục kể từ cuối năm 2007. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 1,24%, lên 3.348,33 điểm, nhờ số liệu cho thấy hoạt động chế tạo của Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng trong tháng 12/2017. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,49%, hay 12,16 điểm, lên 2.479,65 điểm. Thị trường Nhật Bản đóng cửa nghỉ lễ.
Các nhà đầu tư trong khu vực không chịu tác động từ việc thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2017, khi nhận được động lực từ số liệu khả quan, lợi nhuận doanh nghiệp tăng và hy vọng rằng các biện pháp cắt giảm thuế sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Các thị trường cũng đang chờ báo cáo việc làm của Mỹ sẽ được công bố vào cuối tuần, để từ đó có thể có những đánh giá mới nhất về tình hình của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trung Quốc đang trong quá trình chuyển đổi mô hình phát triển từ dựa vào đầu tư của nhà nước và xuất khẩu sang dựa vào nhu cầu tiêu dùng, đồng thời giải quyết số nợ lớn đang gia tăng và vấn đề ôn nhiễm môi trường. Nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IHS Markit tại Singapore, Rajiv Biswas, cảnh báo sự chuyển đổi thành công của Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng đến toàn cầu. Theo ông, những rủi ro đối với nền kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn là một rủi ro lớn đối với triển vọng tăng trưởng của toàn cầu trong năm 2018, trong đó khu vực châu Á-Thái Bình Dương đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc.