Vào lúc 15 giờ 06 phút giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.574,66 USD/ounce. Còn giá vàng Mỹ giao kỳ hạn tăng 0,4% lên 1.577,90 USD/ounce.
Chuyên gia kinh tế John Sharma, thuộc Ngân hàng Quốc gia Australia (NAB), cho rằng số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) đã ảnh hưởng đến tâm lý của nhiều nhà đầu tư. Theo số liệu mới nhất, tỉnh Hồ Bắc thông báo số ca tử vong do dịch COVID-19 đã tăng thêm 242 người trong ngày 12/2, trong khi 14.840 trường hợp nhiễm mới nhiễm cũng được xác nhận trong cùng ngày. Đây là các mức tăng cao đột biến so ngày trước đó.
Số ca tử vong do nhiễm COVID-19 tăng mạnh nhất theo ngày kể từ khi bùng phát dịch bệnh do COVID-19 đã tác động xấu tới các thị trường chứng khoán, nhưng đồng thời cũng giúp giá đồng yen (Nhật Bản) tăng từ mức thấp nhất trong 3 tuần so với đồng USD.
Phiên này, giá palladium giảm 0,8% xuống 2.6 USD/ounce, trong khi giá bạc tăng 1,1% lên 17,66 USD/ounce, còn giá bạch kim tăng 0,1% lên 962,29 USD/ounce.
Tại thị trường trong nước, vào lúc 15 giờ 31 phút ngày 13/2, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 43,95 - 44,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá dầu diễn biến trái chiều trên thị trường châu Á
Giá dầu diễn biến trái chiều trên thị trường châu Á trong phiên giao dịch 13/2, khi những đồn đoán về khả năng cắt giảm nguồn cung của các nước sản xuất dầu chủ chốt bị lấn át bởi những lo ngại về nhu cầu suy giảm do tác động từ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Vào lúc 14 giờ 35 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 6 xu Mỹ, hay 0,1%, xuống còn 55,73 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ tăng 5 xu Mỹ, hay 0,1%, lên 51,22 USD/thùng.
Tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), tâm điểm của dịch COVID-19, ngày 13/2 thông báo số ca nhiếm mới tại địa phương này đã tăng 14.840 ca trong ngày 12/2 lên 48.206 ca, và số ca tử vong do dịch bệnh cũng ghi nhận mức tăng kỷ lục trong ngày là 242 người, lên 1.310 người.
Nhu cầu dầu của Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ hai thế giới, đã giảm mạnh vì các lệnh hạn chế đi và đến từ nước này, cũng như các vùng bị cách ly tại đây. Tập đoàn Hóa chất Quốc gia Trung Quốc ngày 13/2 thông báo sẽ đóng cửa nhà máy có công suất 100.000 thùng/ngày của họ, đồng thời giảm hoạt động tại hai nhà máy khác do nhu cầu sụt giảm.
Tuy nhiên, dù chịu áp lực trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, giá dầu đang nhận được hỗ trợ từ triển vọng Nga có thể nhất trí thỏa thuận gia cắt giảm thêm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn gọi là OPEC+.
OPEC+ hồi tuần trước đã đề xuất cắt giảm thêm sản lượng 600.000 thùng/ngày từ mức hiện nay 1,7 triệu thùng/ngày, nhằm bù đắp cho sự sụt giảm nhu cầu do dịch bệnh.
OPEC ngày 12/2 đã giảm 200.000 thùng/ngày mức dự báo nhu cầu đối với dầu thô của tổ chức này trong năm 2020, làm dấy lên những đồn đoán rằng OPEC+ có thể sẽ quyết định cắt giảm thêm sản lượng trong cuộc họp sắp tới, có thể diễn ra trong tháng này.