Phiên trước đó, giá kim loại quý này đã vượt ngưỡng 1.300 USD/ounce sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều với nhà lãnh đạo Kim Jong-un
Trên thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay đã giảm 0,2% xuống 1.301,65 USD/ounce sau khi đã tăng gần 1% trong phiên trước đó - mức tăng theo ngày cao nhất kể từ ngày 11/4 đến nay. Giá vàng giao tháng 6/2018 cũng để mất 0,2% xuống 1.301,4 USD/ounce.
Thỏi vàng tại Ngân hàng Trung ương Đức tại Frankfurt am Main ngày 23/8/2017. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo chuyên gia Barnabas Gan của OCBC, giá vàng có thể sẽ “neo” quanh mức 1.300 USD/ounce trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh những căng thẳng địa chính trị đang ngày càng leo thang. Sự bất ổn xung quanh quan hệ Mỹ - Triều Tiên nhiều khả năng sẽ “tiếp sức” cho giá vàng đi lên do nhu cầu “trú ẩn an toàn” của giới đầu tư.
Đồng USD vẫn đứng vững trong phiên này sau khi đã rơi xuống mức thấp của hai tuần so với đồng yen Nhật Bản hồi phiên trước đó. Điều này diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên cho biết nước này sẵn sàng giải quyết các vấn đề với Mỹ, bất chấp quyết định của Tổng thống Trump về việc hủy cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo.
Giá vàng luôn nhạy cảm với những biến động của đồng USD, do một khi đồng bạc xanh mạnh lên sẽ khiến sức hấp dẫn của các tài sản an toàn như vàng giảm đáng kể.
Trong khi đó, Tổng thống Trump mới đây đã dọa đánh thuế lên sản phẩm ô tô nhập khẩu, một động thái đã hứng chịu nhiều chỉ trích từ cả trong lẫn ngoài nước Mỹ. Các doanh nghiệp Mỹ đã cảnh báo rằng việc áp thuế có thể tổn hại đến ngành công nghiệp ô tô nội địa, thậm chí gia tăng khả năng dấy lên cuộc chiến thương mại trên quy mô toàn cầu - điều chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới những lợi ích của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc để mất 0,4% xuống 16,56 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 0,3% xuống 906 USD/ounce sau khi kim loại quý này đã chạm mức cao nhất kể từ ngày 14/5 là 914,3 USD/ounce hồi phiên trước đó.