Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.669,73 USD/ounce, vào lúc 13 giờ 15 phút (giờ Việt Nam). Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng giảm 0,5% xuống 1.672,70 USD/ounce.
Phiên này, chỉ số đồng USD – được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – tăng cao hơn 0,2%, khiến vàng thỏi đắt hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác.
Giới đầu tư đang chờ đợi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng – chỉ báo về lạm phát của Mỹ, dự kiến được công bố vào thứ Năm (10/11).
Chiến lược gia thị trường Yeap Jun Rong của ngân hàng IG cho biết chỉ số lạm phát cao hơn dự kiến có thể làm dấy lên lo ngại về việc Fed tăng lãi suất mạnh mẽ hơn. Vàng thường được coi là hàng rào chống lại lạm phát, nhưng lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên nhưng lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.
Các nhà đầu tư cũng đang tập trung vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ diễn ra cùng ngày 8/11 (giờ địa phương). Kết quả cuộc bầu cử sẽ xác định quyền kiểm soát Quốc hội và có thể thúc đẩy các biến động trên toàn thị trường. Song thị trường vẫn phải chờ vài ngày để có kết quả chính xác.
Ông Michael Langford, Giám đốc tại công ty tư vấn doanh nghiệp AirGuide cho biết việc dòng vốn chảy từ các quỹ ETF vàng đang đè nặng lên giá vàng. Điều này kết hợp với lạm phát cao chưa dứt và cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ sẽ tạo thêm áp lực cho vàng.
Chuyên gia này cũng lưu ý cuộc bầu cử tại Mỹ nhiều khả năng thúc đẩy các nhà đầu tư trở lại với các loại tài sản rủi ro và giảm tiếp xúc với vàng.
Giới giao dịch cũng theo dõi chặt chẽ các tin tức liên quan đến tình hình dịch COVID-19 ở Trung Quốc - nước tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 1% ở mức 20,56 USD/ounce. Giá bạch kim giảm 0,4% xuống 975,19 USD/ounce.
Tại thị trường trong nước, lúc 15 giờ 15 phút chiều 8/11, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 66,20 - 67,22 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).