Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.906,00 USD/ounce vào lúc 14 giờ 41 phút (giờ Việt Nam). Ngược lại, giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,5% lên 1.909,30 USD/ounce.
Các cuộc đàm phán cấp cao giữa Ukraine và Nga đã kết thúc mà không có thỏa thuận nào ngoại trừ việc hai bên chấp nhận tiếp tục đàm phán. Song các thị trường châu Á đã bình ổn nhờ dấu hiệu các biện pháp trừng phạt áp lên phía Nga sẽ không leo thang ngay lập tức.
Nhà phân tích cấp cao của công ty môi giới tài chính OANDA, ông Jeffrey Halley, cho biết hiện tại giới đầu tư ít lo ngại rằng tình hình tại Ukraine sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái kép. Điều đó đã thúc đẩy họ quay trở lại thị trường chứng khoán và đẩy giá các tài sản “trú ẩn an toàn” như vàng đi xuống.
Ông cũng lưu ý tâm lý thị trường còn được nâng đỡ một phần nhờ các số liệu kinh tế mới nhất của Trung Quốc tốt hơn mong đợi. Theo đó, hoạt động của các nhà máy tại Trung Quốc đã tăng nhẹ trong tháng Hai, khi có sự cải thiện trong số lượng đơn đặt hàng mới và cho thấy sức bền của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nhìn chung, vàng - một loại tài sản thường được sử dụng để lưu trữ giá trị an toàn trong thời kỳ bất ổn chính trị và tài chính - đã tăng khoảng 6,5% trong tháng Hai. Kim loại quý này đã chạm mức cao nhất trong 18 tháng là 1.973,96 USD/ounce vào tuần trước.
Ông Juan Carlos Artigas, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) trong một ghi chú cho biết vàng có thể biến động theo cả hai hướng tăng và giảm dựa theo chiến lược đầu tư. Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư có thể được hỗ trợ lâu dài hơn bởi lạm phát tăng cao, tình hình địa chính trị phức tạp và xu hướng thoái lui về tổng thể của thị trường.
Trên thị trường các kim loại khác, giá bạc giao ngay không đổi ở mức 24,42 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 0,5% lên 1.048,58 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào lúc 15 giờ 50 phút chiều 1/3, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 65,60 - 66,37 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).