Khoảng 7 giờ 37 phút sáng 6/3 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.853,19 USD/ounce, sau khi leo lên mức cao nhất kể từ ngày 15/2 vào hôm 3/3. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn Mỹ tăng 0,3% lên 1.859,60 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD tăng cao khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn cho những người mua nắm giữ đồng tiền khác.
Số liệu ngày 3/3 cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đã tăng với tốc độ ổn định trong tháng 2/2023, cùng với số đơn đặt hàng mới và việc làm tăng lên mức cao trong hơn một năm, cho thấy nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng trong quý I/2023.
Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco Mary Daly ngày 4/3 cho biết nếu số liệu lạm phát và thị trường lao động tiếp tục tăng hơn dự kiến, lãi suất sẽ cần phải tăng hơn nữa và duy trì ở mức đó trong thời gian dài hơn các nhà hoạch định chính sách của Fed dự kiến hồi tháng 12/2022.
Trước đó, Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond Thomas Barkin ngày 3/3 bày tỏ ông đã mường tượng đến viễn cảnh Fed sẽ đẩy lãi suất trên phạm vi 5,5 - 5,75%.
Các thị trường tiền tệ dự kiến lãi suất mục tiêu của Fed sẽ đạt đỉnh 5,442% trong tháng 9/2023.
Phát biểu với tập đoàn truyền thông Vocento của Tây Ban Nha, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết do lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ duy trì ở mức cao trong ngắn hạn, nên ECB gần như chắc chắn sẽ tăng lãi suất vào cuối tháng này.
Mặc dù vàng được xem là kênh đầu tư an toàn trong giai đoạn lạm phát, song lãi suất cao nhằm hạ nhiệt sức ép giá làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,2% xuống 21,20 USD/ounce, giá bạch kim giảm 0,7% xuống 970,84 USD/ounce, còn giá palladium giảm 0,6% xuống 1.443,65 USD/ounce.
Lúc 8 giờ 35 phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,15 - 66,87 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).