Trong phiên 1/3, giá vàng giao ngay có lúc tăng 0,4% lên 1.834,75 USD/ounce, nới rộng đà tăng trong phiên thứ ba liên tiếp. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,3% lên 1.842,90 USD/ounce.
Matt Simpson, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty tài chính City Index (Vương quốc Anh), nhận định vàng đã bị bán ra quá mức trong ngắn hạn, sau khi tìm thấy ngưỡng hỗ trợ ở mức biến động trung bình của 200 ngày, và đồng USD giảm so với mức tăng của tháng 2/2023. Điểm dừng tiếp theo của giá vàng có thể trong phạm vi 1.850-1.860 USD/ounce.
Kim loại quý này đã ghi nhận tháng giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2021 trong tháng 2/2023 sau khi một loạt số liệu kinh tế Mỹ chỉ ra nền kinh tế Mỹ khỏe mạnh và thị trường lao động thắt chặt, làm dấy lên những lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Lãi suất cao làm giảm sức hấp dẫn của vàng vì nó làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ những tài sản không sinh lời như vàng.
Các thị trường tiền tệ dự đoán lãi suất của Fed sẽ đạt đỉnh 5,420% trong tháng 9/2023, so với phạm vi 4,50- 4,75% hiện nay. Khả năng cắt giảm lãi suất trong năm nay có thể sẽ không xảy ra.
Niềm tin người tiêu dùng Mỹ đã bất ngờ giảm trong tháng 2/2023, trong đó sự sụt giảm này tập trung ở các hộ gia đình thu nhập trung bình thấp.
Chỉ số đồng USD giảm 0,2% khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn cho những người nắm giữ đồng tiền khác.
Trong khi đó, số liệu vào ngày 1/3 cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc, nước tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới, đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập niên trong tháng 2/2023.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 1% lên 21,13 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 1,1% lên 962,96 USD/ounce và giá palladium tăng 2% lên 1.444,77 USD/ounce.
Vào lúc 16 giờ 12 phút ngày 1/3, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết ở mức 66,25 - 66,97 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.