Giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.776,75 USD/ounce vào lúc 14 giờ 08 phút (giờ Việt Nam), sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 8/8 là 1.770,86 USD/ounce vào ngày 16/8. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn tăng 0,1% lên 1.791,70 USD/ounce.
Chiến lược gia tiền tệ Ilya Spivak thuộc chuyên trang tài chính DailyFX cho biết: “Trọng tâm là biên bản cuộc họp tháng Bảy từ Ủy ban thị trưởng mở Fed và Hội nghị chuyên đề Jackson Hole vào ngày 25-27/8. Cả hai sự kiện này sẽ tạo tiền đề cho cuộc họp của Fed trong tháng Chín”. Theo chiến lược gia này, nếu Fed giữ quan điểm "diều hầu" hơn trong chính sách tăng lãi suất, điều đó sẽ tác động bất lợi đối với vàng, xét về phương diện sức hấp dẫn cơ bản của kim loại quý này đối với giới đầu tư.
Biên bản cuộc họp chính sách của Fed ngày 26-27/7 dự kiến được đưa ra vào chiều muộn ngày 17/8.
Fed đã nâng điểm chuẩn lãi suất cho vay qua đêm tổng cộng 225 điểm cơ bản kể từ tháng Ba nhằm kiềm chế lạm phát tăng phi mã.
Mặc dù vàng được coi là “hàng rào” chống lại lạm phát, song việc lãi suất tăng vẫn là một cơn gió ngược tiềm năng, có thể làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Trong khi đó, dữ liệu cho thấy lạm phát giá tiêu dùng ở Anh tăng 10,1% trong tháng Bảy, mức cao nhất kể từ tháng 2/1982, và tăng cao từ tỷ lệ 9,4% trong tháng Sáu.
Dù có nhiều dấu hiệu lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm, các quan chức Fed duy trì quan điểm tăng lãi suất. Điều này khiến vàng giảm khỏi ngưỡng 1.800 USD/ounce.
Quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust cho biết, lượng vàng mà họ nắm giữ đã giảm 0,18% xuống 992,20 tấn vào hôm thứ Ba (16/8), mức thấp nhất kể từ tháng Một.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,2% lên 20,15 USD/ounce và giá palladium tăng 0,2% lên 2,157,93 USD/ounce. Trong khi đó, giá bạch kim giảm 0,2% xuống 933,02 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào lúc 15 giờ 59 phút ngày 17/8, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,20 - 67,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).