Cụ thể, chiều phiên này, tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay tăng nhẹ 0,1% lên 1.903,20 USD/ounce vào lúc 07 giờ 52 phút GMT (14 giờ 52 phút giờ Việt Nam). Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ không đổi ở mức 1.935,40 USD/ounce.
Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại IG, cho biết: “Thị trường vàng tiếp tục gặp khó khăn với sự gia tăng không ngừng của lợi suất thực trong thời gian gần đây, cùng với đà tăng mạnh của đồng USD, qua đó làm giảm sức hấp dẫn của vàng và khiến một số nhà đầu tư e ngại”.
Một minh chứng cho thấy tâm lý của nhà đầu tư đối với vàng đang bị ảnh hưởng tiêu cực, lượng nắm giữ vàng của quỹ giao dịch và trao đổi vàng lớn nhất thế giới (SPDR Gold Trust) đã kéo dài đà giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2020. Không có dòng tiền nào được chảy vào được báo cáo kể từ cuối tháng Bảy.
Ông Jun Rong nói thêm: “Dữ liệu kinh tế của Mỹ cho đến nay đã tạo cơ hội cho lãi suất duy trì ở mức cao lâu hơn. Dữ liệu về doanh số bán lẻ của Mỹ được công bố ngày 15/8 đã đẩy lùi những lo ngại về suy thoái kinh tế và có khả năng ngăn chặn dòng tiền đổ vào tài sản an toàn như vàng”.
Ngày 15/8, giá vàng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6/2023 là 1.895,50 USD/ounce, do lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất trong gần 10 tháng, khiến chúng trở nên hấp dẫn hơn so với vàng, mặt hàng vốn không sinh lời.
Tim Waterer, trưởng bộ phận phân tích thị trường tại KCM Trade, cho biết nếu nhu cầu mạnh mẽ đối với đồng USD vẫn tiếp diễn và mức giá 1.900 USD/ounce bị xuyên thủng, thị trường vàng có thể lao dốc sâu hơn.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi biên bản cuộc họp chính sách tháng 7/2023 của Fed để tìm định hướng chiến lược lãi suất sắp tới.
Cũng trong phiên này, giá bạc giao ngay tăng 0,8% lên 22, USD/ounce, giá bạch kim tăng 0,4% lên 892,29 USD/ounce. Trong khi giá palladium tăng 0,6% lên 1.242,83 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào cuối giờ chiều 16/8, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,95 - 67,57 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).