Vào lúc 9 giờ 27 phút sáng 27/9 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.757,79 USD/ounce, còn giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,3% lên 1.757,30 USD/ounce.
Tuy nhiên đà tăng của giá vàng đã bị hạn chế giữa lúc lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã chạm mức cao nhất kể từ đầu tháng 7/2021, làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ những tài sản không sinh lời như vàng.
Một số nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, ngân hàng trung ương nước này) ngày 24/9 nhận xét nền kinh tế Mỹ đang trong trạng thái "đủ khỏe" để ngân hàng này bắt đầu rút lại các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế.
Chủ tịch Fed Jerome Powell dự kiến sẽ điều trần trước Quốc hội trong tuần này về chính sách ứng phó với đại dịch của ngân hàng này.
Nhu cầu vàng vật chất tại Trung Quốc, nước tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới, đã tăng trong tuần trước trong bối cảnh các khách hàng tìm cách “ôm” vào vàng trước nguy cơ cuộc khủng hoảng Evergrande bùng nổ cùng với nhiều yếu tố khác.
SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, cho biết lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã tăng 0,1% lên 993,52 tấn trong phiên 24/9 so với mức 992,65 tấn trong ngày 23/9.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,9% lên 22,61 USD/ounce. Giá bạch kim giao ngay tăng 1% lên 992 USD/ounce, còn giá palladium nhích nhẹ 0,1% lên 1.973,47 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào lúc 10 giờ 14 phút sáng 27/9, giá vàng SJC được Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 56,35 - 57,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên so với chốt phiên cuối tuần qua.