Vào lúc 15 giờ 03 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.780,10 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,4% lên 1.780,50 USD/ounce.
Harshal Barot, nhà tư vấn nghiên cứu cao cấp về Nam Á tại Metals Focus, nhận định việc Fed lạc quan về sự phục hồi kinh tế có nghĩa là vàng sẽ khó bứt phá cao hơn. Bên cạnh đó, kinh tế Mỹ tăng trưởng cũng đồng nghĩa với việc lợi suất trái phiếu có xu hướng tăng, gây bất lợi cho vàng.
Giá vàng đã khép phiên ngày 28/4 ở mức cao sau khi Fed quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp và cho biết còn quá sớm để cân nhắc việc rút dần các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã công bố một gói hỗ trợ trị giá 1.800 tỷ USD dành cho các hộ gia đình và lĩnh vực giáo dục trong bài phát biểu đầu tiên của mình trước Quốc hội.
Theo nhà phân tích Ole Hansen thuộc Saxo Bank, thị trường vàng đang thiếu sự tự tin sau khi đạt mức 1.790 USD/ounce phiên trước, và từng thất bại trước mốc 1.800 USD/ounce do niềm tin của nhà đầu tư không lớn.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá palladium tăng 0,7% lên 2.948,43 USD/ounce, sau khi leo lên mức đỉnh 2.962,50 USD/ounce trong phiên 27/4. Thiếu hụt nguồn cung palladium dự kiến sẽ gia tăng trong năm nay và đẩy giá kim loại quý này lên mức 3.000 USD/ounce.
Giá bạch kim giao ngay ổn định ở mức 1.219,01 USD/ounce, còn giá bạc tăng 0,8% lên 26,37 USD/ounce.
Tại thị trường Việt Nam, lúc 15 giờ 50 phút, Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 55,3 - 55,67 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá dầu châu Á tiếp tục tăng
Giá dầu châu Á tiếp tục tăng trong phiên chiều 29/4 sau khi tăng 1% trong phiên trước đó, trong bối cảnh dự báo tăng cao về đà phục hồi nhu cầu năng lượng trong mùa hè này. Tuy nhiên, đà tăng của dầu có phần bị hạn chế bởi lo ngại về số ca lây nhiễm COVID-19 tại Ấn Độ, Nhật Bản và Brazil ngày càng tăng cao.
Giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 42 xu Mỹ (0,6%) lên 67,69 USD/thùng. Tương tự, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng tăng 36 xu Mỹ (0,6%) lên 64,22 USD/thùng.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, sẽ nới lỏng các hạn chế chế về sản lượng dầu trong thời gian từ tháng 5 - 7/2021, giữa bối cảnh OPEC nâng nhẹ dự báo tăng trưởng nhu cầu năng lượng năm nay lên mức 6 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, OPEC cũng kỳ vọng dự trữ dầu toàn cầu sẽ tăng lên mức 2,95 triệu thùng vào tháng Bảy, mức thấp nhất so với trung bình giai đoạn 2015-2019.
Giới chuyên gia thuộc Citi kỳ vọng các chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Bắc Mỹ và châu Âu, sẽ đẩy nhu cầu “vàng đen” trong mùa hè năm nay tăng lên mức kỷ lục 101,5 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, số ca lây nhiễm dịch COVID-19 gia tăng tại Ấn Độ và Brazil có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng năng lượng ở các nước này khi phải tiến hành tái áp đặt lệnh phong tỏa.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 28/4 cho biết lượng dầu thô dự trữ của nước này đã tăng 90.000 thùng trong tuần trước, ít hơn nhiều so với dự đoán tăng 659.000 thùng của giới phân tích.