Phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.900,40 USD/ounce vào lúc 13 giờ 58 phút (theo giờ Việt Nam). Tính đến thời điểm hiện tại, giá vàng đã tăng hơn 0,5% trong tuần này.
Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,4% lên 1.903,90 USD/ounce.
Báo cáo mới nhất cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ tiếp tục tăng trong tháng 5/2021 và ghi dấu mức tăng hàng năm lớn nhất trong gần 13 năm qua. Bên cạnh đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của tuần trước đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 15 tháng.
Ông Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty môi giới tài chính OANDA, cho biết tình hình lạm phát gia tăng của Mỹ đã không thể gây ra đợt bán tháo trên thị trường vàng. Thêm vào đó, lợi suất trái phiếu đi xuống đã giúp vàng phục hồi.
Cũng theo chuyên gia này, cuộc họp kéo dài hai ngày 15 -16/6 của Fed vào tuần tới có thể không gây nhiều tác động tới giá vàng, trong khi lại ngăn cản đồng USD tăng giá mạnh. Vàng có vẻ sẽ “thử sức” ở mức kháng cự 1.920 USD/ounce vào đầu tuần tới, khi hoạt động giao dịch có thêm lực đẩy mới.
Một yếu tố khác giúp giá vàng đi lên trong phiên này là chỉ số đồng USD – thước đo sức khỏe của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – giảm 0,1% sau khi chạm mức cao nhất của một tuần trong phiên 10/6.
Lợi suất của trái phiếu Kho bạc Mỹ cũng giảm xuống mức thấp nhất trong ba tháng, làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng - vốn là tài sản không sinh lời.
Theo nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của hãng tin Reuters, việc giá vàng giao ngay phá ngưỡng 1.911 USD/ounce có thể giúp kim loại quý này tăng lên trong khoảng 1.932 - 1.953 USD/ounce.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc phiên này tăng 0,7% lên 28,16 USD/ounce, trong khi bạch kim tiến 0,3% lên 1.153,82 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào lúc 15 giờ 25 phút chiều 11/6, giá vàng SJC trên thị trường Hà Nội được Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,9 - 57,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá dầu châu Á giảm nhẹ phiên 11/6
Giá dầu giảm trên thị trường châu Á trong phiên chiều 11/6, nhưng vẫn đang hướng đến tuần tăng thứ ba liên tiếp, trước những đồn đoán về sự phục hồi nhu cầu nhiên liệu ở châu Âu, Trung Quốc và Mỹ, khi tốc độ tiêm chủng gia tăng đã khiến các quy định hạn chế để phòng dịch COVID-19 được nới lỏng.
Vào lúc 13 giờ 58 phút theo giờ Việt Nam, cả giá dầu Brent Biển Bắc và dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đều giảm nhẹ 4 xu Mỹ, hay 0,06%, xuống các mức lần lượt là 72,48 USD/thùng và 70,25 USD/thùng. Giá dầu Brent đang hướng đến mức tăng 0,8% trong tuần, trong khi con số này của giá dầu WTI là 0,9%.
Lượng xăng dự trữ ở Mỹ, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, đã tăng 7 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 4/6, còn lượng dự trữ các sản phẩm dầu chưng cất tăng 4,4 triệu thùng, cả hai đều tăng nhiều hơn dự đoán của giới phân tích, theo số liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ.
Margaret Yang, chuyên gia của công ty DailyFX, cho rằng sự gia tăng này đã khiến giới đầu tư tiến hành chốt lời trong phiên này sau khi giá dầu đã chạm mức cao nhất trong hai năm rưỡi qua.
Ngân hàng Goldman Sachs dự đoán giá dầu Brent sẽ chạm mức 80 USD/thùng trong mùa Hè này, và thị trường dầu sẽ tiếp tục khởi sắc khi tiến trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 đang thúc đẩy hoạt động kinh tế trên toàn cầu và làm gia tăng nhu cầu nhiên liệu.
Bên cạnh đó, các chuyên gia nghiên cứu của Ngân hàng ANZ cho biết số liệu cho thấy lưu lượng giao thông trên đường ở Bắc Mỹ đã phục hồi về các mức như trước đại dịch cũng là một yếu tố thuận lợi với giá dầu.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vẫn giữ nguyên dự báo nhu cầu dầu sẽ tăng 5,95 triệu thùng, hay 6,6%, trong năm 2021.