Chiều phiên này, giá vàng giao ngay gần như không biến động so với phiên trước đó, và đang hướng tới mức tăng nhẹ trong cả tuần này. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ cũng đi ngang ở mức 1.756,40 USD/ounce.
Đồng USD khởi đầu quý IV/2021 ở gần mức cao nhất kể từ đầu năm, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác. Tuy nhiên, tâm lý của giới đầu tư được hỗ trợ bởi sự sụt giảm lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ.
Vàng đang cạnh tranh với trái phiếu chính phủ với vị thế của một tài sản để phòng ngừa rủi ro và sự bất ổn. Lợi nhuận trái phiếu giảm sẽ khiến vàng, vốn không sinh lời, trở nên hấp dẫn hơn.
Stephen Innes, đối tác quản lý tại công ty dịch vụ tài chính SPI Asset Management (Thụy Sỹ), cho biết thị trường vàng đang bắt đầu nhận ra rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể không quá nóng vội trong việc thu hẹp quy mô chương trình mua trái phiếu và thự hiện các đợt tăng lãi suất. Nhưng ông Innes vẫn thận trọng về triển vọng ngắn hạn đối với vàng, đặc biệt là với quỹ đạo khó lường của đồng USD.
Vincent Tie, Giám đốc kinh doanh đại lý kim loại quý Silver Bullion tại Singapore cho biết, mặc dù một số nhà đầu tư lo sợ giá vàng giảm, thì nhiều nhà đầu tư dài hạn vẫn tích cực mua vàng để phòng ngừa rủi ro kinh tế và lạm phát.
Cũng trong phiên này, giá bạc giảm 0,3% xuống 22,14 USD/ounce. Giá bạch kim giảm 0,7% xuống 957,06 USD/ounce, còn giá palladium giảm 1,9% xuống 1.873,18 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào lúc 15 giờ 39 phút ngày 1/10, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 56,60 - 57,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).