Trong phiên đầu tuần, giá vàng trong nước và thế giới hầu như đi ngang trong bối cảnh các nhà đầu tư thận trọng trước quyết định về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như tâm lý lạc quan về vắc-xin ngừa dịch COVID-19.
Tuy nhiên, giá vàng thế giới tăng 1% trong phiên giao dịch đêm 14/9, khi đồng USD suy yếu và những dự đoán của thị trường trước thềm cuộc họp chính sách trong hai ngày 15 - 16/9 của Fed đang nghiêng về khả năng ngân hàng này vẫn sẽ duy trì chính sách tiền tệ ôn hòa. Qua đó, củng cố sức hấp dẫn của các tài sản an toàn như vàng và điều này kéo giá vàng trong nước tăng mạnh trong phiên 15/9.
Ngay sau đó kim loại quý trong nước lại quay đầu giảm. Phiên này giá vàng thế giới đã giảm xuống mức thấp của gần 2 tuần do đồng USD mạnh lên, dù những hy vọng về lập trường chính sách tiền tệ ôn hòa của Fed đã hạn chế đà giảm của kim loại quý này.
Đến phiên 17/9, giá vàng trong nước tiếp tục giảm trong bối cảnh giá vàng châu Á giảm. Phiên này giá vàng châu Á giảm do đồng USD tăng giá sau khi Fed dự báo đà phục hồi kinh tế thuận lợi, nhưng ngừng đưa ra các tín hiệu về các biện pháp kích thích kinh tế.
Kim loại quý phục hồi nhẹ trong phiên cuối tuần khi giá vàng châu Á tăng và hướng đến tuần tăng giá thứ hai liên tiếp trong bối cảnh đồng USD yếu đi do báo cáo việc làm ảm đạm của Mỹ đã làm lu mờ hy vọng về sự phục hồi kinh tế.
Sáng 20/9, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 56 - 56,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Còn tại Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC cũng được giao dịch mua vào - bán ra ở mức 56,13 - 56,43 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Với những phiên tăng giảm đan xen, giá vàng trong nước kết thúc tuần này hầu như vẫn giữ nguyên giá so với phiên đầu tuần.
Trong khi đó, giá vàng thế giới tuần qua tăng tuần thứ hai liên tiếp, dù chỉ nhận sự hỗ trợ khiêm tốn từ thông báo của Fed về khả năng duy trì lãi suất thấp trong 3 đến 4 năm tới.
Theo dữ liệu của FactSet, trong cả tuần giá vàng tăng 0,7%, sau khi tăng ở mức tương tự trong tuần trước.
Người phụ trách phân tích tại ActivTrades, Carlo Alberto De Casa, cho rằng giá vàng đang chờ các động lực mới, khi các nhà đầu tư đã đánh giá đầy đủ kịch bản hiện nay và các chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của các ngân hàng trung ương.
Những thay đổi trong chính sách tiền tệ được cho là sẽ tác động đến giá vàng, nhưng giá kim loại quý này đã không tăng mạnh sau quyết định của Fed vào ngày 16/9 trong việc duy trì lãi suất ở mức gần 0% cho đến cuối năm 2023 để hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch COVID-19. Những dự báo của Fed cho năm 2023, lần đầu tiên được đưa ra cho thấy lãi suất vẫn ở mức này từ nay đến ít nhất là năm 2024.
Diễn biến của giá vàng kể từ sau khi phục hồi vào tháng Bảy đã gây lo ngại xu hướng đi lên trong bối cảnh bất ổn kinh tế do đại dịch có thể mất đi phần nào động lực. Một số nhà chiến lược cho rằng diễn biến của giá vàng đã thoát khỏi tác động từ những thông tin về các ngân hàng trung ương.
Theo các nhà phân tích về kỹ thuật tại SentimenTrader, có những dấu hiệu đi xuống của giá các kim loại quý, nhưng chưa có gì rõ ràng về triển vọng giá hàng hóa trong các giao dịch gần đây. Sau khi tăng trong tháng Bảy, giá các kim loại quý đã hạ nhiệt và gần như đi ngang.