Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (27/5), giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,35 - 67,07 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và không đổi ở chiều bán ra so với chốt phiên trước đó.
Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,35 - 67 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 50 nghìn ở chiều mua vào và giữ nguyên ở chiều bán ra so với chốt phiên trước đó.
Trong tuần, giá vàng trong nước liên tục các phiên tăng giảm đan xen từ phiên giao dịch sáng đầu tuần 22 - 26/5 và chỉ chững lại vào cuối tuần. Tính chung cả tuần, giá vàng giảm 250 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.
Cùng lúc, giá vàng thế giới hướng đến tuần giảm thứ ba liên tiếp, trong bối cảnh nhà đầu tư đang cân nhắc kịch bản Mỹ đạt được thỏa thuận về trần nợ vào phút cuối.
Đáng chú ý, thước đo lạm phát của Mỹ "nóng" hơn dự kiến đã làm tăng đặt cược vào khả năng lãi suất sẽ được duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.
Nhà giao dịch kim loại Tai Wong dự báo, mặc dù có những tín hiệu tích cực từ Washington, song một thỏa thuận nợ vẫn khó có thể đạt được trước ngày 1/6. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) đã tăng 4,4% trong 12 tháng tính đến tháng 4/2023, sau khi tăng 4,2% trong tháng 3/2023.
Giám đốc chiến lược thị trường Phillip Streible tại Blue Line Futures ở Chicago cho biết, số liệu PCE có thể tác động đến thị trường vàng.
Các nhà giao dịch đang đặt cược rằng Fed sẽ tăng lãi suất lần thứ 11 liên tiếp vào tháng 6 tới, điều này sẽ làm giảm sức hấp dẫn của tài sản không sinh lời như vàng.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm và chỉ số đồng USD giao dịch gần mức cao nhất kể từ giữa tháng 3/2023, cả hai đều đang trên đà tăng tuần thứ ba liên tiếp.
Nhà phân tích thị trường cao cấp Edward Moya tại Công ty Dịch vụ tài chính OANDA cho biết, nếu các bên đạt được một thỏa thuận vào cuối tuần. Điều đó sẽ loại bỏ rủi ro lớn nhất khỏi thị trường và ảnh hưởng tới nhu cầu về vàng.