Giá vàng giao ngay giảm 0,3%, xuống 1.317,46 USD/ounce vào lúc 15 giờ 16 phút (theo giờ Việt Nam), sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 28/2 là 1.324,33 trong phiên trước. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,4%, xuống 1.317,1 USD/ounce.
Vào cuối tuần trước, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ thấp hơn mức lợi suất trái phiếu kỳ hạn ba tháng lần đầu tiên kể từ năm 2007 và hiện tượng này được gọi là sự đảo ngược đường cong lợi suất, điều được coi là dấu hiệu về một cuộc suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã tăng trong phiên 26/3, dù triển vọng vẫn chưa sáng sủa khi nhà đầu tư xem xét khả năng kinh tế Mỹ có rơi vào suy thoái hay không.
Theo nhà kinh tế John Sharma thuộc National Australian Bank, mặc dù có những lo ngại gia tăng, không phải chắc chắn 100% nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái khi đường cong lợi suất trái phiếu phải đảo ngược trong cả quý chứ không phải trong một, hai ngày.
Chuyên gia này cho rằng nguy cơ kinh tế Mỹ giảm tốc gia tăng và lãi suất đang được giữ nguyên phần nào tạo đà cho giá vàng nhưng không đủ để giá kim loại quý này tăng vọt, bởi các nhà đầu tư cần chắc chắn hơn về sự yếu kém của nền kinh tế Mỹ.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại cuộc họp tuần trước đã quyết định giữ nguyên lãi suất và cho rằng không cần thiết phải tăng lãi suất trong năm nay.
Giá vàng đã tăng hơn 3% kể từ đầu tháng này, chủ yếu nhờ chính sách lãi suất hiện nay của Fed và những lo ngại về sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu.
Các nhà giao dịch cũng đang hướng sự chú ý đến các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 28/3 tới tại Bắc Kinh và cuộc bỏ phiếu về việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 27/3. Bất kỳ tiến triển tích cực nào từ các vấn đề địa chính trị này cũng sẽ gây sức ép lên giá vàng.