Cụ thể tại Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay gần như đứng yên ở mức 1.232,81 USD/ounce vào lúc 14 giờ 2 phút (theo giờ Việt Nam). Trước đó trong phiên ngày 1/11, giá kim loại quý này đã chạm mức cao nhất kể từ ngày 26/10 là 1.237,39 USD/ounce.
Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn lại để mất 0,3% xuống 1.235,1 USD/ounce.
Nhà phân tích Daniel Hynes của ngân hàng ANZ cho biết thị trường đang “án binh bất động” trước khi Chính phủ Mỹ công bố số liệu về thị trường việc làm của nước này, sau khi nhà đầu tư đã trải qua một giai đoạn đầy biến động trên thị trường chứng khoán.
Các nhà kinh tế tham gia khảo sát mới đây của Reuters đã đưa ra ước tính số việc làm phi nông nghiệp của Mỹ tăng 190.000 vị trí trong tháng 10/2018. Trước đó vào tháng Chín, siêu bão Florence đã khiến việc làm trong lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ ăn uống của nước này giảm mạnh.
Theo nhà phân tích Edward Meir của công ty dịch vụ tài chính INTL FCStone, thị trường sẽ theo dõi số liệu việc làm phi nông nghiệp của Mỹ rất sát vì nếu báo cáo lần này lại gây thất vọng như tháng trước, đồng USD sẽ chịu áp lực đi xuống và giúp giá vàng có thể vượt qua mức cao 1.245 USD/ounce.
SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, cho biết lượng vàng do họ nắm giữ đã tăng 0,9% lên 760,82 tấn trong phiên 1/11 vừa qua, ghi nhận mức tăng lớn nhất từ cuối tháng Tám tới nay.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạch kim tăng tới 1,1% lên 865,8 USD/ounce sau khi đã chạm mức “đỉnh” tính từ ngày 27/6 là 866,3 USD/ounce hồi đầu phiên. Trong khi đó, giá bạc lại giảm 0,2% xuống 14,72 USD/ounce.